Theo tìm hiểu, gói thầu số 02: Thi công xây dựng + đảm bảo giao thông công trình Cải tạo nâng cấp đường trục xã, liên xã từ Thị Tứ đi Cổng Sy, xã Cộng Hòa (kè dọc máng 7A), huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Gói thầu do UBND xã Tân Hòa làm chủ đầu tư; liên danh nhà thầu thi công là Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An và Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và thương mại Thái Dương.
Hiện nay, một phần công trình tuyến đường đang được kè đá bờ mương, mở rộng diện tích lòng đường, nhưng đơn vị thi công bị phản ánh về việc sử dụng đất san lấp không đạt chuẩn, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Ngoài ra, trong quá trình lao động, các công nhân không được trang bị bảo hộ lao động theo quy định.
Để làm rõ thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại khu vực thi công dự án để ghi nhận sự việc. Theo quan sát, đá bây có dấu hiệu chưa đạt chất lượng, hạt không đồng đều đã được đơn vị thi công sử dụng san gạt lớp mặt tuyến đường. Bên cạnh đó, hàng nghìn m3 đất "lậu" được tập kết từ nhiều nguồn, do đó, chất lượng đất có dấu hiệu không đạt chuẩn nhưng vẫn được sử dụng san lấp tại dự án.
Đáng nói, trong quá trình thi công, những phương tiện như "công nông đầu ngang" đã bị cấm lưu hành nhưng vẫn được tận dụng tối đa để chở vật liệu san lấp từ nhiều nơi về công trình. Quá trình vận chuyển vật liệu các xe này không được che chắn cẩn thận đã gây hệ luỵ lớn về môi trường, đất đai vương vãi gây bụi mù mịt làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiềm ẩn gây nguy cơ mất an toàn giao thông trong khu vực. Việc “binh đoàn” công nông ngang nhiên hoạt động khiến dư luận phải đặt nghi vấn, liệu doanh nghiệp có được ưu ái nên đã ung dung vượt chốt Cảnh sát giao thông mà không hề bị ngăn chặn, xử lý ?!
Ông N.V.T – người dân sống gần khu vực gói thầu đang thi công cho biết: Từ ngày dự án triển khai, đường sá chúng tôi đi lại lúc nào cũng bụi mù mịt, đất đá vương vãi khắp mặt đường. Nguy hiểm nhất là các xe chở vật liệu trên đường dân sinh mà không che chắn gì, nên chỉ cần đi vào chỗ đường gồ ghề là gạch, đất dễ dàng rơi xuống đường gây mất an toàn cho người dân tham gia giao thông.
Để có thông tin khách quan, PV đã có buổi làm việc với ông Vương Sỹ Trung – Chủ tịch UBND xã Tân Hòa. Ông Trung cho biết: Từ khi dự án triển khai, tôi phải báo bên Quản lý đô thị xuống kiểm tra liên tục, từ phương án kỹ thuật đến biện pháp thi công phải đảm bảo.
Trả lời câu hỏi của PV, vì sao để tình trạng những phương tiện "công nông đầu ngang" đã bị cấm lưu hành nhưng vẫn tham gia hoạt động chở vật liệu san lấp từ nhiều nơi về công trình? Ông Trung thừa nhận, đơn vị thi công có sử dụng phương tiện công nông đầu ngang để vận chuyển vật liệu thi công dự án.
Tiếp đến, lý giải về dự án sử dụng vật liệu đất để san lấp không đảm bảo chất lượng. Chủ tịch Vương Sỹ Trung nói: Do nguồn đất khan hiếm, nên đơn vị thi công đã phải mua lại đất của các công ty thi công đào móng các công trình xây dựng trên địa bàn xã.
Một dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng hoạt động quản lý, giám sát của Chủ đầu tư lại rất qua loa, thậm chí có dấu hiệu thể hiện sự buông lỏng để nhà thầu thi công “tự tung tự tác” ngoài công trường, đã khiến chất lượng công trình bị đặt dấu hỏi lớn.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách, và đặc biệt đảm bảo tốt việc giám sát chất lượng công trình ngay trong quá trình thi công, thiết nghĩ lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai và các đơn vị liên quan cần tiến hành kiểm tra toàn bộ quá trình thi công dự án, đồng thời xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có biểu hiện buông lỏng quản lý, tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn lao động (nếu có). Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm của Đội Thanh tra giao thông, CSGT huyện Quốc Oai trong việc tuần tra, kiểm soát nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các phương tiện đã cấm lưu hành nhưng vẫn ngang nhiên chở vật liệu thi công dự án./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ha-noi-du-an-tien-ty-bi-nghi-su-dung-vat-lieu-khong-dat-chuan-gay-o-nhiem-moi-truong-a152001.html