Mặc dù chỉ mới thành lập năm 2019 nhưng Công ty Nhật Nam đặt mục tiêu đến năm 2022 trở thành một doanh nghiệp bất động sản đứng TOP 5 doanh nghiệp tiêu biểu về giao dịch trong thị trường bất động sản Việt Nam. Đáng chú ý, trên các website, fanpage của doanh nghiệp này dành phần lớn nội dung để quảng cáo về các gói đầu tư siêu lợi nhuận, hứa hẹn “mang đến cơ hội đầu tư sinh lời an toàn – hiệu quả – uy tín”.
Theo đó, Công ty Nhật Nam có 2 chương trình đầu tư kéo dài 24 tháng với nhiều mức hợp tác, từ gói trải nghiệm 20 triệu đồng đến “gói cổ đông” lên tới 5 tỷ đồng.
Nhân viên tư vấn tự giới thiệu là người của Công ty Nhật Nam gửi thông tin về các chương trình đầu tư qua Zalo của phóng viên trong vai nhà đầu tư. Ảnh chụp màn hình.
Chương trình thứ nhất, nhà đầu tư nhận 20% lợi nhuận và được tặng một voucher mua bất động sản tối đa bằng số tiền đầu tư. Chẳng hạn đầu tư 1 tỷ, sau 24 tháng kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư nhận 1,2 tỷ tiền hoàn vốn và phân chia lợi nhuận, ngoài ra còn được tặng voucher 1 tỷ mua bất động sản.
Chương trình thứ hai, lợi nhuận 68%/24 tháng. Chẳng hạn, cũng với 1 tỷ góp vốn cho Công ty Nhật Nam, nhà đầu tư sẽ nhận 1 tỷ 680 triệu đồng sau 24 tháng.
Doanh nghiệp này cũng cam kết hoàn vốn và phân chia lợi nhuận theo ngày qua tài khoản cá nhân, từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, trừ ngày lễ, Tết, trong suốt 24 tháng cho cả hai phương án đầu tư nói trên.
Trước tháng 5/2022, Công ty Nhật Nam thuê toà nhà này để đặt trụ sở văn phòng (số 48, phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: Ý YÊN |
Công ty Nhật Nam cũng cam kết đảm bảo 100% nguồn vốn và trả lãi đúng theo hợp đồng cho nhà đầu tư, nhằm “hướng đến giá trị gia tăng tài chính cho không chỉ ban lãnh đạo, các cổ đông lớn mà tất cả những nhà đầu tư nhỏ, những con người chưa có nhiều điều kiện kinh tế cũng có thể gia tăng tài chính, thay đổi dần chất lượng cuộc sống cùng Công ty Nhật Nam”.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư phản ánh rằng doanh nghiệp chậm trễ chuyển tiền hoàn vốn và phân chia lợi nhuận.
Điển hình mới đây, vào các ngày 25, 26, 27/5/2022, nhiều nhà đầu tư của Công ty Nhật Nam không nhận được tiền về tài khoản theo lịch đã cam kết. Một nhà đầu tư tên N.V. (Đông Anh, Hà Nội) nói rằng, mặc dù không nhận được tiền về trong hai ngày (25 và 27/5) nhưng phía Công ty Nhật Nam cũng không thông báo lý do. Cho đến ngày 31/5/2022, sau nhiều lần phản ánh và bày tỏ bức xúc của các nhà đầu tư, Công ty này mới ban hành thông báo giải thích lý do phần mềm chuyển tiền tự động liên kết với ngân hàng bị lỗi.
Công ty Nhật Nam không chuyển trả tiền góp vốn cho nhà đầu tư N.V. vào các ngày 25 và 27/5/2022 mà không thông báo lý do - Ảnh: NVCC
Mặc dù trong ngày 31/5, Công ty Nhật Nam đã chuyển tiền trả bù các ngày trước đó nhưng ông N.V. cho rằng việc chậm hoàn vốn và phân chia lợi nhuận cùng với việc chậm trễ thông báo sự cố là khó chấp nhận, gây mất lòng tin đối với nhà đầu tư.
Công ty Nhật Nam thuê toà nhà trên đường Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội để đặt văn phòng, sử dụng từ giữa tháng 5/2022 - Ảnh: Ý YÊN |
Công ty Nhật Nam đưa ra nhiều chương trình để thu hút các nhà đầu tư - Ảnh: Ý YÊN |
Có rất nhiều nhà đầu tư đủ các thành phần, lứa tuổi ra vào trụ sở Công ty Nhật Nam trên đường Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội để được tư vấn và xuống tiền góp vốn. Các nhân viên sale đon đả đón nhà đầu tư từ cửa và tiễn chân xuống tận xe lúc họ ra về. Toà nhà này khang trang, bề thế, vừa được doanh nghiệp thuê lại và chuyển văn phòng từ phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy về đây từ tháng 5/2022.
Bước ra từ trụ sở Công ty Nhật Nam, bà D.N.T. rảo chân thật nhanh sang quán trà đá đối diện – nơi một người bạn của mình đang ngồi đợi. Chưa kịp ngồi xuống ghế, bà buông lời: “Bực cả mình. Trừ đầu, trừ đuôi, trừ hết của người ta”.
Bà D.N.T. kể rằng, năm 2019 đầu tư vào Công ty Nhật Nam 2 gói với tổng số tiền 300 triệu đồng. Vừa rồi gia đình có việc cần tiền, bà yêu cầu rút vốn thì chỉ được nhận 60% giá trị đã góp vào. Chưa kể bà D.N.T. phải nộp thuế thu nhập cá nhân – được tính 10% trên tổng số lãi đã nhận.
Bà D.N.T. nhẩm tính lại, sau mấy năm đầu tư, lời lãi chẳng thấy đâu, chỉ “rước cái bực vào người”.
“Thà cứ để ngân hàng, đâm vào đầu tư họ nhỏ cho vài giọt”, bà D.N.T. gay gắt.
Biên bản xác nhận ngày 23/5/2022 của Công ty Nhật Nam cho biết, Công ty sẽ chia đều số tiền hoàn vốn (tương đương 60% giá trị hợp đồng đầu tư) của bà D.N.T. và trả trong thời gian 12 tháng. Số tiền này được trả sau 30 ngày, kể từ ngày kết thúc hợp đồng và làm biên bản thanh lý hợp đồng.
Trong 2 kỳ thanh toán đầu tiên, bà D.N.T. cũng phải hoàn lại tiền thuế thu nhập cá nhân 10% cho Công ty Nhật Nam.
Biên bản xác nhận thu hợp đồng gốc, biên bản thanh lý hợp đồng... của Công ty Nhật Nam đối với nhà đầu tư. Ảnh: NVCC
Khi được hỏi rằng thời gian còn hợp tác góp vốn vào Công ty Nhật Nam thì có được nhận tiền gốc và lãi đúng hẹn không, bà D.N.T. nói: “Họ suốt ngày lấy lý do nghỉ nọ, nghỉ kia, đủ các kiểu, rồi chuyển chậm. Chậm nhiều, có lúc chậm lâu nhất mấy tháng trời”. Rồi bà D.N.T. đưa ra lời khuyên cho mấy người ngồi kế bên rằng: “Bây giờ nếu trót nghe rồi, đừng có đầu tư thêm hay đi làm leader (giới thiệu thêm người đầu tư để được cắt 6 đến 8% giá trị hợp đồng – theo giải thích của bà D.N.T.) kẻo mang tiếng sau này”.
Bà D.N.T., một nhà đầu tư bức xúc khi kết quả đầu tư sau 3 năm không được như hứa hẹn - Ảnh: Ý YÊN |
Từ phản ánh của nhà đầu tư, phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã liên hệ, gửi giấy giới thiệu làm việc với đại diện Công ty Nhật Nam để có thông tin khách quan, đa chiều nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được hồi âm.
Công ty Nhật Nam quảng cáo, hiện đã có hơn 10 nghìn nhà đầu tư khắp cả nước tham gia chương trình “đầu tư sinh lời”. Một số nhân viên tư vấn của Công ty này tiết lộ con số lên tới vài chục nghìn người. Theo điều tra của PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, trong đó không ít công nhân lao động cũng vay mượn, rút hết tiền tiết kiệm để đầu tư với hy vọng sinh lời đột biến.
Làm thế nào mà trong thời gian rất ngắn, Công ty Nhật Nam có thể lôi kéo hàng chục ngàn nhà đầu tư góp vốn? Mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo của loạt phóng sự: Huy động vốn bất thường ở Công ty Nhật Nam: Kỳ 2 - Hé lộ “chiêu thức” dụ dỗ nhà đầu tư.
Nghi vấn mô hình Ponzi? Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) từng lên tiếng cảnh báo về mô hình kinh doanh thu hút đầu tư kiểu Ponzi. Trong mô hình này, nhà đầu tư được chào mời tham gia các dự án đầu tư với lãi suất hấp dẫn, tỉ lệ hoàn vốn cao. Tuy nhiên, tiền đầu tư hoặc góp vốn thay vì được sử dụng để tái đầu tư, sinh lợi để trả lãi thì được dùng để trả cho nhà đầu tư trước. Bản chất là không có bất kỳ hoạt động đầu tư sinh lời nào. Đáng lưu ý, mô hình này thường yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ người tham gia góp vốn đầu tư liên tục. Mô hình Ponzi sẽ sụp đổ khi có lượng lớn nhà đầu tư đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, dấu hiệu nhận diện các tổ chức, công ty hoạt động theo mô hình Ponzi là: Kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh, lãi suất cao bất thường, cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro rất thấp, hoàn vốn theo tỷ lệ cố định… |
Nhiều nhà đầu tư tìm đến Công ty Nhật Nam trong thời gian qua - Ảnh: Ý YÊN |
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/huy-dong-von-lai-suat-cao-bat-thuong-o-cong-ty-nhat-nam-ky-1-nha-dau-tu-vo-mong-a152187.html