Đã gần hết quý II/2022 nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất ì ạch, tái diễn tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được" như những năm trước. Nếu tạm tính kết quả báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của 20/126 bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương được cập nhật trên cổng thông tin về đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 36,31% kế hoạch năm.
Nhiều nơi giải ngân dưới 10%
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm hiện tại, nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân đạt dưới 30%. Thậm chí, hàng loạt đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 10%, như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội... Ngoài ra, 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20%. Đáng chú ý, một số cơ quan trung ương hiện chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào, như: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
Về phía địa phương, tính đến ngày 16-6, TP Hà Nội đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công chỉ bằng 17,4% kế hoạch giao và thấp hơn mức trung bình của cả nước. Không ít địa phương, chẳng hạn tỉnh Bắc Kạn, giải ngân dưới 10%.
Theo Bộ KH-ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn công chậm. Trong đó, nổi bật là giá vật liệu xây dựng tăng cao, tác động của dịch Covid-19 khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do thiếu vật liệu đất đắp; năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu hay vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Bên cạnh đó, có yếu tố khách quan là Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua hồi tháng 7-2021 nên hầu hết các tháng đầu năm nay phải hoàn thành thủ tục đối với dự án khởi công mới, chưa thi công được nên chưa có khối lượng.
Bộ KH-ĐT cũng thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân từ việc chuẩn bị dự án, thẩm định, tư vấn mất nhiều thời gian, chất lượng lập dự án chưa tốt dẫn đến khi triển khai phải điều chỉnh, mất thời gian làm thủ tục. Ngoài ra, có nguyên nhân chủ đầu tư, nhà thầu yếu về năng lực; có tình trạng bộ, ngành thiếu phối hợp, chậm giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các địa phương.
Chỉ rõ câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công, có tiền nhưng không tiêu được là "biết rồi, nói mãi" nhưng vẫn chưa cải thiện, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần nhìn nhận nguyên nhân quan trọng là do con người, cụ thể là khâu tổ chức thực hiện còn thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm ở các cấp, ngành. Bởi có địa phương, bộ, ngành giải ngân vốn đạt kết quả rất khả quan, như Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tây Ninh...
Dù đã gần hết quý II/2022 nhưng vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 10%, thậm chí chưa giải ngân được đồng nào
Chủ động nhiều giải pháp
Nhấn mạnh phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lưu ý các cơ quan liên quan cần chủ động tháo gỡ khó khăn và vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Theo Bộ trưởng, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế và chính sách, công tác chuẩn bị dự án cần được chủ động từ sớm, sẵn sàng về mọi mặt để dự án bảo đảm khả thi. Trong giai đoạn chuẩn bị dự án, nếu sẵn sàng về mặt bằng thì có thể triển khai sớm khi được phân bổ vốn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu…
Để gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn công, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần tập trung xử lý vấn đề GPMB. Ông Cường nêu quan điểm nên tách đền bù GPMB các dự án khi được phê duyệt chủ trương đầu tư vì nếu mặt bằng được chuẩn bị sẵn sàng, dự án sẽ triển khai thuận lợi, tiến độ được đẩy nhanh. "Các cơ chế bồi thường GPMB phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có được sự đồng thuận khi triển khai" - ông Cường lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách GPMB thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022, Chính phủ nghiêm khắc phê bình và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với các bộ, cơ quan trung ương, 16 địa phương đến ngày 31-5 chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Thủ tướng giao; các cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân (tỉ lệ giải ngân 0%) như báo cáo của Bộ KH-ĐT. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư công. Đồng thời, nêu rõ quan điểm sẽ rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Cam kết từ địa phương
Giải ngân được 2.625 tỉ đồng vốn đầu tư công (đạt 30,4% kế hoạch) trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định thời gian tới sẽ yêu cầu các chủ đầu tư có cam kết giải ngân chi tiết đến từng dự án. Bên cạnh đó, tỉnh này sẽ tăng cường phân cấp, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cá nhân, tổ chức liên quan.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/giai-ngan-von-cong-cham-vi-sao-a152214.html