Thời gian gần đây, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán có dấu hiệu giảm và chững lại, thường chỉ dao động quanh mốc 14.000-15.000 tỉ đồng mỗi phiên. Trong khi năm 2021 và quý 1-2022, một phiên đạt giá trị giao dịch bình quân khoảng 1 tỉ USD (tương đương trên 23.000 tỉ đồng), thậm chí có phiên leo lên 1,5 tỉ USD.
Đáng chú ý, thị trường cũng liên tục lao dốc, thậm chí có thời điểm mất mốc 1.200 điểm.
Hiện tại chứng khoán Việt đang gặp thách thức nhưng vẫn hấp dẫn trong dài hạn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Những thách thức
Anh Minh Hà, một nhà đầu tư chứng khoán tại TP.HCM, thừa nhận một số thông tin không tốt như giá xăng dầu, nguyên vật liệu leo thang hay lạm phát… đang tác động lên tâm lý nhà đầu tư khiến mọi người dè dặt rót tiền vào thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, tỉ lệ margin (vay vốn từ các công ty chứng khoán để đầu tư) giảm cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.
“Nhìn chung việc giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu” - anh Hà nhận xét.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhìn nhận thị trường chứng khoán vẫn còn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh chịu ảnh hưởng gián tiếp từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc. Chứng khoán Việt Nam giảm gần 14% so với đầu năm cho thấy các thách thức trên đã phần nào đã phản ánh vào giá.
Cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán Việt trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trong nước cũng gặp những khó khăn nhất định do dòng vốn bị kiểm soát chặt trong bối cảnh lãi suất đảo chiều. Thị trường bất động sản vốn là nơi có dòng tiền lớn lưu chuyển, vì vậy sức khỏe của thị trường này có liên quan tới thị trường tài chính nói chung, trong đó có chứng khoán và các công ty bất động sản niêm yết trên sàn.
“Chúng tôi chưa nhìn thấy động lực cho thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay” - SSI nhận định.
Ở khía cạnh khác, ông Lã Giang Trung, Giám đốc điều hành Passion Investment, nhận xét năm ngoái dòng tiền chảy vào chứng khoán không phản ánh chính xác sự tăng trưởng nền kinh tế. Đặc biệt, GDP tăng trưởng thấp do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng chứng khoán lại tăng trưởng nóng.
Vì vậy hiện dòng tiền đang được định hướng lại bởi chính sách tiền tệ hướng tới những khu vực kinh tế mang lại tăng trưởng GDP tốt hơn. “Chính lý do này khiến thị trường chứng khoán có những điều chỉnh nhất định” - ông Trung lý giải.
UBCKNN vừa khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm, group trên mạng xã hội khi được mời chào, lôi kéo giao dịch mua, bán cổ phiếu trong ngày (T+0) hoặc đầu tư vào một số mã cổ phiếu sẽ đem lại tỉ lệ sinh lời rất cao. Qua đó tránh bị lôi kéo, dẫn dắt dẫn tới thiệt hại không đáng có.
Vẫn hấp dẫn
Dù hiện tại chứng khoán Việt đang gặp không ít thách thức nhưng nhiều chuyên gia có chung nhận định trong dài hạn, thị trường này vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư.
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, phân tích: Thị trường chứng khoán Việt đang hấp dẫn với mức định giá PE (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) là 11,5 lần, trong khi với các nước trong khu vực Đông Nam Á con số này đang ở mức bình quân là 16,2 lần. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường vào cuối năm nay.
Đặc biệt hiện thị trường đang có dấu hiệu hồi phục dần, tâm lý giới đầu tư đã tốt hơn khi làn sóng giải chấp ký quỹ đã kết thúc giúp thị trường không còn cú rớt điểm mạnh. Hơn nữa, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp có thể sẽ đem lại làn sóng mới cho tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, bản thân kinh tế nội tại của Việt Nam đang tích cực, bằng chứng là các chỉ số kinh tế cũng như tăng trưởng GDP đang tốt.
“Ngoài ra, số dư ký quỹ đang lưu hành đã giảm khoảng 30%. Điều này giúp loại bỏ nguồn áp lực bán tháo mạnh nhất trong tháng 5, mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trên 20% đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay” - ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital, đánh giá: “Thị trường chứng khoán Việt sẽ là mỏ vàng trong năm năm tới. Bởi với mức định giá đang rẻ trong khi khả năng thị trường chuẩn bị nâng hạng từ cận biên lên mới nổi là chắc chắn, kết hợp với nền kinh tế đang tăng trưởng sẽ là cơ hội hiếm có lúc này”.
Ông cũng cho rằng so sánh với các thị trường trong khu vực, mức định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường Việt Nam càng trở nên nổi bật. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người đang tăng nhanh sẽ gia tăng lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán, từ đó sẽ đem đến tiềm năng lợi nhuận cho đầu tư dài hạn.
Không chỉ vậy, gần đây cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực đưa thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và hiệu quả để nó trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho nền kinh tế.
Điều chỉnh quy định chưa hợp lý
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), cho biết thị trường chứng khoán vẫn còn tồn tại hiện tượng thao túng giá cổ phiếu. Chưa kể các rủi ro trên thị trường trái phiếu và một số tổ chức kiểm toán, thẩm định giá còn năng lực hạn chế. Điều này buộc cơ quan quản lý nhà nước phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp quản lý, giám sát, thông tin tuyên truyền và thực hiện một số điều chỉnh, sửa đổi về mặt chính sách, quy định pháp lý cho phù hợp.
Cũng theo ông Sơn, UBCKNN phấn đấu thực hiện mục tiêu cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Đồng thời chú trọng phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững; đảm bảo tăng trưởng về quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-viet-van-la-mo-vang-cho-nha-dau-tu-a152215.html