Công nhân thắt chặt chi tiêu
Ghi nhận của PV. VietNamNet tại các chợ truyền thống ở TP.HCM những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Ví dụ, đậu cô ve từ 27.000 đồng/kg đã tăng lên 35.000 đồng/kg; đu đủ từ 8.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg, bí xanh từ 22.000 đồng/kg lên 27.000 đồng/kg... ; bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt, khoai tây... giá cũng tăng tương tự.
Trước đó, Sở Tài chính TP.HCM và các cơ quan liên quan đã thống nhất cho các DN bán hàng bình ổn tăng giá trứng từ ngày 15/6. Cụ thể, trứng gà loại I có giá tăng từ 29.500 đồng/vỉ lên 31.500 đồng/vỉ (loại 10 quả/vỉ); trứng vịt loại I tăng từ 35.000 đồng/vỉ tăng lên 37.000 đồng/vỉ (loại 10 quả/vỉ).
Có thể thấy, chi phí xăng dầu đắt đỏ đang kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá. Điều này gây áp lực chi tiêu đối với người tiêu dùng, các bà nội trợ, đặc biệt là những công nhân chỉ có mức thu nhập trung bình thấp. Bởi vậy, không ít người đã chọn cách "bóp miệng", hạn chế mua sắm thời điểm này.
Chị Thanh Tuyền - một công nhân đang trọ tại quận 6 - cho hay, trước đây mua dầu ăn, gia vị cho một tháng chỉ mất khoảng 500.000 đồng thì nay lên 600.000 đồng. Đụng cái gì cũng tăng giá trong khi thu nhập vẫn giữ nguyên. 3 tháng qua, tiền đi chợ cho gia đình 4 người này đã tăng thêm khoảng 800.000 đồng/tháng. Là người nội trợ gần chục năm qua, chưa lúc nào chị thấy giá tiêu dùng lên cao như vậy.
“Đến cả gói mỳ tôm cũng tăng giá. Quá đau đầu mỗi lần ra chợ mua thức ăn vì phải đi lòng vòng so sánh giá, cầm lên đặt xuống lựa chọn. Giờ tôi đi chợ bằng xe đạp thay cho xe máy để tiết kiệm xăng”, chị Tuyền kể câu chuyện cười ra nước mắt.
Còn vợ chồng chị Vi Thị Thanh - công nhân trọ ở quận Bình Tân đã tính phương án cắt giảm chi tiêu để cân bằng chi phí sinh hoạt. Theo chị, lương hai vợ chồng bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền nhà trọ, điện nước khoảng 1,7 triệu đồng; tiền nuôi hai con học hơn 4 triệu đồng; phần còn lại là tiền ăn uống, sinh hoạt và các khoản chi tiêu phát sinh của anh chị. Trước đây, chị Thanh cầm 150.000 đồng đi chợ để mua thức ăn trong 1 ngày cho gia đình 4 người, nay số tiền trên chỉ còn mua được 1/2 lượng thức ăn như mọi khi.
Chi tiêu thế nào giữa “bão” giá ?
Xăng dầu là một mặt hàng trong chi tiêu hàng ngày của các hộ gia đình, giá xăng tăng chắc chắn ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. TS. Bùi Duy Tùng - Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT - cho rằng, trong rổ hàng hóa tính CPI ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của cư dân. Khi giá xăng tăng, tỷ trọng chi tiêu cho mặt hàng này cũng tăng theo, dẫn đến giảm thu nhập để chi vào những mặt hàng khác.
Ngoài ra, giá xăng tăng kéo theo sự tăng giá dây chuyền của hàng hóa. Một trong những hậu quả của giá xăng tăng cao là lạm phát do chi phí đẩy. Đối với người dân, lạm phát tác động mạnh nhất đến đối tượng có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực thành thị. Thu nhập của họ chủ yếu đến từ tiền lương, thường là cố định trong một khoảng thời gian dài. Do đó, lạm phát xảy ra thì số lượng hàng hóa mà nhóm cư dân này mua được sẽ ít đi với cùng mức lương cố định. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm sút.
Để vượt qua thời kỳ lạm phát cao, theo TS. Tùng, những người có thu thập thấp và trung bình cần cẩn thận trong chi tiêu do không có nhiều thu nhập thụ động ngoài lương. Tiền lương cần phải được tính toán lại và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết. Lúc này, cần bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình để vượt qua thời kỳ lạm phát. Lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng, tránh đầu tư dàn trải.
Sau khi phân tích vai trò điều tiết của mức độ bất ổn trong các chính sách kinh tế đến mối quan hệ giữa giá dầu thế giới và lạm phát trong nước tại 21 nền kinh tế, giai đoạn từ quý I/2000 đến quý IV/2021, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt - Đại học Kinh tế TP.HCM - đưa ra nhận định, có tác động cùng chiều của các biến động giá dầu và mức độ bất ổn chính sách đến lạm phát.
Tuy nhiên, mức độ tác động của giá dầu thế giới đến lạm phát trong nước, cả lạm phát giá tiêu dùng tổng thể và lạm phát giá tiêu dùng cơ bản (core CPI) chịu sự chi phối của mức độ bất ổn chính sách nội địa. Cụ thể, phản ứng của lạm phát nội địa trước các biến động giá dầu thế giới trở nên nhạy cảm hơn trong môi trường có mức độ bất ổn chính sách cao hơn. Ngược lại, một nền kinh tế với môi trường chính sách ổn định có khả năng giảm thiểu các tác động từ sự thay đổi giá dầu thế giới, hay rộng hơn là các biến động bên ngoài đến lạm phát trong nước.
Từ đó, bà Nguyệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường chính sách ổn định nhằm củng cố niềm tin, định hướng kỳ vọng và góp phần giảm thiểu mức độ nhạy cảm của nền kinh tế trước các biến động bên ngoài, đặc biệt trong giai đoạn bất ổn thế giới tăng cao hiện nay.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bap-cai-trung-ga-den-my-tom-dong-loat-tang-gia-ba-noi-tro-dau-vi-a152352.html