Ngày 30/6 và sáng 1/7/2022, TAND TP Quy Nhơn xét xử vụ án dân sự, nguyên đơn là Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thành Thương (Công ty Thành Thương), bị đơn là Ngân hàng Thương mại CP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
Theo Doanh nghiệp Việt Nam, Công ty Thành Thương khởi kiện PVcomBank, yêu cầu bồi thường thiệt hại do ngân hàng này ép doanh nghiệp mua bảo hiểm của các đối tác được đặt tại PVcomBank, đồng thời không cấp bản sao giấy đăng kí xe, khiến doanh nghiệp không hoạt động được, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thành Thương trình bày, ngày 19/1/2017, Công ty kí Hợp đồng tín dụng số: 1101/2017/HĐTD/PVB-DN.PGDNTH với Phòng giao dịch Nguyễn Thái Học, PVcomBank - Chi nhánh Quy Nhơn để vay 850 triệu đồng, nhằm mua xe ô tô tải nhãn hiệu SHACMAN, Công ty thế chấp chiếc xe này cho PVcomBank, thời hạn vay 60 tháng, với phương thức trả góp hằng tháng bao gồm cả gốc và lãi. Kể từ ngày kí hợp đồng cho đến tháng 12/2019, Công ty Thành Thương luôn hoàn thành đủ các nghĩa vụ thanh toán cho PVcomBank.
Tuy vậy, đến kì hạn cấp bản sao giấy đăng kí xe vào thời điểm cuối năm 2019, PVcomBank không chấp nhận cấp với lí do “không tham gia mua bảo hiểm của các đối tác được đặt tại PVcomBank, không đóng tiền bảo hiểm vào tài khoản chuyên thu của PVcomBank, vi phạm Khoản 1, Điều 4 Hợp đồng thế chấp tài sản số 1101/2017/HĐBĐ. Công ty Thành Thương nhiều lần gửi công văn, yêu cầu PVcomBank cấp bản sao giấy đăng kí xe, để cho xe hoạt động, nhưng không được chấp nhận.
Khoản 1, Điều 4 Hợp đồng thế chấp số 1101/2017/HĐBĐ ghi: “Bên thế chấp có nghĩa vụ mua, chịu chi phí mua bảo hiểm theo yêu cầu của ngân hàng, cho toàn bộ tài sản thế chấp trong suốt thời gian thế chấp, đồng thời chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm cho ngân hàng. Trường hợp, hết thời hạn bảo hiểm mà bên thế chấp không tiếp tục mua theo yêu cầu của ngân hàng, thì ngân hàng có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) mua bảo hiểm cho bên thế chấp, số tiền này sẽ được tính vào khoản nợ của bên được bảo đảm tại ngân hàng. Trường hợp ngân hàng mua bảo hiểm thay cho bên thế chấp, thì ngân hàng được lựa chọn tổ chức bảo hiểm, quyết định tất cả các vấn đề liên quan khi mua bảo hiểm; Bên được bảo đảm cam kết nhận nợ vô điều kiện số tiền mà ngân hàng bỏ ra để mua bảo hiểm thay bên thế chấp, không có bất kì khiếu nại, tranh chấp nào đối với ngân hàng”.
Công ty Thành Thương cho rằng, với điều khoản như vậy, PVcomBank vi phạm nghiêm trọng Luật Tổ chức tín dụng, lạm dụng quyền khi cho khách hàng vay tiền, nhằm ép buộc người đi vay phải kí vào một hợp đồng, đem bất lợi về phía mình. Nếu doanh nghiệp không chấp nhận, sẽ bị ép buộc theo sự "sắp đặt" do PVcomBank đặt ra.
Tại Khoản 2, Điều 4 Hợp đồng số 1101/2017/HĐBĐ cũng có nội dung ép buộc khách hàng, phải nghe theo sự sắp đặt vô lí như: “Trong suốt thời gian thế chấp, bên thế chấp phải bàn giao cho ngân hàng giữ tất cả các giấy tờ bảo hiểm, ngay khi nhận được từ tổ chức bảo hiểm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, ngân hàng có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) làm việc trực tiếp với tổ chức bảo hiểm, để nhận số tiền bảo hiểm, mà không có sự đồng ý của bên thế chấp... Trường hợp tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm cho bên thế chấp, thì bên thế chấp ngay lập tức có nghĩa vụ chuyển toàn bộ số tiền này cho ngân hàng”.
Với điều khoản này, PVcomBank không cần phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm, nhưng vẫn được hưởng lợi khi tài sản thế chấp, là chiếc xe tải SHACMAN biển kiểm soát 77C-136.13 của Công ty Thành Thương, nếu xảy ra tai nạn, trong khi người bỏ tiền mua bảo hiểm vật chất cho chiếc xe này chính là Công ty Thành Thương.
PVcombank thua kiện, phải bồi thường hơn 1,3 tỉ đồng
Ngày 27/3/2020 PVcombank gửi công văn không số cho Công ty Thành Thương với những lỗi vi phạm của DN như: nợ quá hạn, không tự nguyện bàn giao tài sản và đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp, hỗ trợ trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm cho việc thu hồi nợ.
Tiếp đó, PVcombank còn gửi cho Phòng CSGT CA tỉnh Bình Định thông báo về việc hỗ trợ thu hồi xe đang lưu thông không có giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô với nội dung: Trước đây, khách hàng DNTN VT Thành Thương có thế chấp chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu SHACMAN, giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô số 015965 do phòng CSGT CA tỉnh Bình Định cấp ngày 16/01/2017, biển kiểm soát 77C-136.13 để vay vốn ngân hàng. Ngân hàng có cấp giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô sao y cho khách hàng lưu hành xe và đến nay đã hết hạn.
Theo Ngày mới Online, trước đó, ngày 26/5/2020, TAND TP Quy Nhơn (Bình Định) đã thông báo thụ lý “giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại” giữa nguyên đơn Công ty Thành Thương và bị đơn PVcombank chi nhánh Nguyễn Thái Học – Quy Nhơn.
Ngày 6/6/2020 phiên hòa giải phải hoãn do đại diện theo ủy quyền của bị đơn chưa đủ thẩm quyền để quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho Công ty Thành Thương nhưng hai bên vẫn tìm được tiếng nói chung.
Tại phiên tòa xét xử diễn ra vào ngày 30/6 và 1/7/2022, đại diện PVcomBank cho rằng, những yêu cầu của phía nguyên đơn là không có căn cứ. Yêu cầu Tòa án bác bỏ các yêu cầu của phía nguyên đơn. Đồng thời cần phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay và khoản lãi của ngân hàng sớm nhất.
Sau 2 ngày xét xử, trưa ngày 1/7/2022, Hội đồng xét xử Tòa Án Nhân dân TP Quy Nhơn đã tuyên bản án yêu cầu ngân hàng PVcomBank bồi thường cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thành Thương hơn 1,3 tỉ đồng.
Đồng thời, chấp nhận yêu cầu phản tố, buộc Công ty Thành Thương trả tiền vốn vay và lãi cho phía ngân hàng PVcombank theo quy định.
PVCombank đã rất nhiều lần dính "lùm xùm" như việc bị khách hàng tố huy động vượt trần lãi suất, ép buộc khách hàng doanh nghiệp phải mua bảo hiểm khi vay tiền và thế chấp tài sản tại đây.
PVCombank cũng từng bị "nổi tiếng bất đắc dĩ" khi “gánh” sai phạm bảo lãnh cho WesternBank, hay việc việc đại gia từng là khách hàng VIP của nhiều ngân hàng ở Hà Nội trở thành người đi đòi tiền gửi tiết kiệm của chính mình ở PVcomBank.
Ngoài ra, cũng không ít lần cán bộ của ngân hàng này cấu kết lừa đảo, giả mạo hồ sơ hoặc chiếm đoạt tài sản của khách hàng...
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ep-khach-mua-bao-hiem-pvcombank-thua-kien-phai-boi-thuong-hon-13-ty-dong-a153437.html