Lý do vàng liên tục giảm giá
Tuần qua, giá vàng giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh. Lập trường “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gây áp lực mạnh mẽ lên thị trường vàng thế giới.
Giá vàng kỳ hạn tháng 8 đã mất đi hơn 1,5% so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước đó. Thị trường kim loại quý cũng khép lại tuần thứ 3 liên tiếp trong vùng tiêu cực và tháng thứ 3 liên tiếp giảm giá.
Hiện tại, các thị trường dự đoán Fed sẽ phạm sai lầm khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận trong tuần trước, sai lầm thực sự là không thể kiểm soát được lạm phát.
Những lo ngại về suy thoái và thái độ “diều hâu” của Fed đã gây ra những đợt biến động trong năm nay với chỉ số S&P 500 đã có nửa năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970, trong khi Bitcoin có mức giảm hằng quý lớn nhất trong hơn một thập niên. Tuy nhiên, vàng khá ổn định khi chỉ giảm 1% kể từ đầu năm.
Kim loại quý đã làm khá tốt vai trò của mình trong việc lưu trữ giá trị. Tuy nhiên, nhiều người hiện vẫn trung lập với vàng cho đến khi các dữ liệu tiếp theo của Mỹ cho thấy lạm phát đạt đỉnh và tăng trưởng chậm lại.
Phát biểu của ông Powell đã khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn. Theo đó, Chủ tịch Fed nhận định, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể đưa mọi thứ đi quá xa và có khả năng gây ra một cuộc suy thoái để ổn định giá cả.
"Có rủi ro khi mà chúng tôi sẽ đi quá xa không? Chắc chắn là có rủi ro. Nhưng đó không phải là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế. Sai lầm lớn hơn là không khôi phục được sự ổn định giá cả" - Chủ tịch Powell phát biểu tại diễn đàn ngân hàng trung ương do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tổ chức tại Bồ Đào Nha.
Triển vọng u ám, giới chuyên gia dự báo bất ngờ
Trong tuần này, giới chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi liệu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các thành viên Fed lạc quan hơn rằng lạm phát đang dần hạ nhiệt.
Nhà phân tích Moya cho biết thêm, đã có những dấu hiệu cho thấy suy thoái đang ảnh hưởng đến nền kinh tế nhanh hơn một chút so với dự đoán.
Trong khi đó, đồng giám đốc Sean Lusk của Walsh Trading cho rằng, kể từ khi chạm mức 2.000 USD/oz vào tháng 3, vàng đã bị mắc kẹt trong kiểu giao dịch "bán đỉnh”.
Vàng được bán khi Fed kiên định với lập trường “diều hâu” của mình trong thắt chặt chính sách tiền tệ. Kim loại quý cũng không tìm thấy được động lực tăng nào từ sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế và quan điểm khác nhau về việc lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa.
Chuyên gia này nhận định, trong môi trường này, vàng sẽ không tăng trong vài tuần tới. Ông dự đoán, vàng sẽ chứng kiến một đợt tăng giá từ giữa đến cuối tháng 7 khi nhu cầu về tài sản vật chất tăng.
Trong ngắn hạn, ông dự báo, vàng có nguy cơ giảm xuống mức 1.780 USD/oz. Nếu không giữ được mức này, kim loại quý này có nguy cơ giảm xuống 1.730 USD/oz.
Đồng quan điểm David Madden - chuyên gia phân tích thị trường của Equiti Capital - cũng cho rằng, 1.800 USD/oz là mức giá hợp lý của vàng trong ngắn hạn vì thị trường đang bị tác động bởi lãi suất tăng, nhờ đó vai trò tài sản trú ẩn của đồng bạc xanh được củng cố hơn vàng.
"Vàng có vẻ dễ chịu quanh mức 1.800 USD/oz nhưng bức tranh kỹ thuật cho thấy giá có thể giảm xuống dưới mốc này trong ngắn hạn" - David Madden nói.
Kết quả khảo sát hàng tuần của Kitco thể hiện sự giằng co trên thị trường kim loại quý. Trong hơn 600 nhà đầu tư cá nhân tham gia khảo sát thì tỉ lệ dự đoán giá vàng tuần này tăng và giảm không chênh lệch nhiều, lần lượt là 41% và 38%. Số còn lại đưa ra quan điểm trung lập rằng, giá vàng sẽ đi ngang.
So với tuần trước, góc nhìn của các nhà phân tích phố Wall cũng đã bớt lạc quan hơn. 7 trong số 16 chuyên gia trả lời khảo sát, tương đương 41%, dự báo giá vàng giảm tuần thứ tư. Con số này áp đảo tỉ lệ kỳ vọng giá đi lên (31%) hoặc đi ngang (25%).
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-bat-ngo-ve-gia-vang-co-nen-ban-thao-a153448.html