Thị trường chứng khoán liên tục ghi nhận sự suy giảm rõ rệt, khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư lo ngại khi không biết đâu là thời điểm để quay lại thị trường và ngành nào sẽ là điểm sáng. Sau 6 tháng giao dịch, VN-Index đã giảm tổng cộng 300 điểm, tương ứng 20,07% so với thời điểm cuối năm 2021 và nằm trong top chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất thế giới.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn, chủ yếu đến từ căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn kỳ vọng của thị trường cũng như lạm phát ở Việt Nam cao hơn dự kiến. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam và khiến tâm lý của các nhà đầu tư càng ngày càng trở nên e dè hơn, khiến chỉ số chung khó bứt phá mạnh.
Tuy nhiên, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định, mặc dù lãi suất và lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền nhưng sẽ có 3 yếu tố tích cực có thể tác động đến thanh khoản thị trường thời gian tới.
Đó là lạm phát có khả năng tạo đỉnh trong quý III sẽ giúp quá trình tăng lãi suất chậm lại và tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp được công bố cũng là một động lực cho thị trường, khi nhiều doanh nghiệp niêm yết có kết quả khả quan do hồi phục từ mức đáy sau dịch Covid. Ngoài ra, định giá nhiều nhóm cổ phiếu về vùng hấp dẫn khi nhiều cổ phiếu đã chiết khấu mạnh trong thời gian qua, cũng là một yếu tố có thể kích thích dòng tiền quay trở lại trong thời gian tới.
Theo góc độ khác, ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của CSI cho rằng, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ ưu tiên hành động để chống lạm phát mặc dù có thể phải hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được lạm phát tốt và đủ dư địa chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định nền kinh tế.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát có vượt mục tiêu 4% của Chính phủ nhưng dưới ngưỡng 10% thì TTCK vẫn được coi là kênh đầu tư tiềm năng. Theo nhiều chuyên gia, lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong đà tăng trưởng ở mức trên 6,5% (nhiều dự đoán triển vọng tăng trưởng cao: S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9%; Ngân hàng UOB Singapore giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt 6,5%...) thì đây vẫn là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, những yếu tố tích cực và tiêu cực vẫn luôn đan xen. Cơ hội vẫn luôn tồn tại, không chỉ khi thị trường tăng giá mà ngay cả khi thị trường giảm điểm. Nhà đầu tư nên quản lý danh mục thận trọng và có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư phù hợp với mình, bởi không có gì là giảm mãi và cũng không có cổ phiếu nào tăng mãi.
“Nhà đầu tư sáng suốt sẽ luôn tìm được cơ hội khi nhiều cổ phiếu giảm sâu về mức giá có thể chấp nhận được và họ tin chắc rằng, trong một thời gian, thị trường sẽ nhận ra giá trị của chúng và đưa mức giá về vị trí cân bằng, hợp lý hơn phản ánh đúng về thực trạng, triển vọng của doanh nghiệp. Quý III năm nay có thể là bước ngoặt để các nhà đầu tư xuống tiền khi lạm phát đạt đỉnh. Theo đó, nhà đầu tư nên chú ý tới những nhóm ngành hưởng lợi từ lạm phát”, một chuyên gia khuyến nghị.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nha-dau-tu-nen-chu-y-toi-nhung-nhom-nganh-huong-loi-tu-lam-phat-a153562.html