Có nên 'xuống tiền' khi định giá cổ phiếu ngành thép đã về mức hấp dẫn?

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine “leo thang”, ngành thép được kỳ vọng là một trong số ít hưởng lợi, song thực tế diễn biến dường như đang theo chiều hướng ngược lại.

Có thể thấy, ngay từ tháng 2, khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu diễn ra, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ.

Từ cơ thành nguy

Trong báo cáo đầu tháng 3, Chứng khoán VNDirect từng đánh giá: "Các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới".

Còn nhớ, ở thời điểm đó, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngành thép bỗng trở thành tâm điểm của thị trường khi VN-Index tăng chưa tới 1%, nhưng giá các cổ phiếu nổi trội của ngành thép đều tăng hai chữ số.

nganh-thep-1657071785.jpg Kết quả kinh doanh ngành thép đang có xu hướng thu hẹp.

Điển hình, cổ phiếu NKG (Thép Nam Kim) đứng đầu về biên độ với mức tăng hơn 60% chỉ trong một tháng, HSG (Tập đoàn Hoa Sen) cũng tăng gần 36%, HPG (Tập đoàn Hòa Phát) và POM (Thép Pomina) tăng 17-21%.

Tuy nhiên, giá thép HRC sau khi đạt đỉnh trong giai đoạn đầu tháng 3 đến đầu tháng 4, có thời điểm lên gần 1.600 USD/tấn đã liên tục giảm.

Trong nước, sau khi tăng 15% trong Quý I/2022 nhờ nhu cầu dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ. Cùng với đó, giá thép xây dựng cũng giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.

Những điều này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu thép khi nhóm này giảm với biên độ gấp nhiều lần so với mức điều chỉnh hơn 20% của VN-Index tính từ mức đỉnh thiết lập từ cuối tháng 4 đến nay.

Chẳng hạn, tính đến chốt phiên 5/7, cổ phiếu HPG đã về mức 21.900 đồng/cp, giảm hơn 60% so với mức đỉnh cuối năm 2021. Xét trong ba tháng gần đây, cổ phiếu này đã giảm hơn 57%. Tương tự, các mã khác nhóm này như NKG, HSG hay POM cũng chung kịch bản.

Mặc dù xu hướng giảm không chỉ xảy ra với ngành thép mà là xu hướng của toàn thị trường chung. Song vấn đề của nhóm này còn là sự thay đổi trong kỳ vọng của nhà đầu tư. Từ triển vọng tích cực, khả năng hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị, thay vào đó là những lo ngại về tác động thật sự do giá năng lượng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và cú sốc chiến tranh có thể dẫn đến giảm nhu cầu các mặt hàng sử dụng nhiều thép như ôtô và đồ điện gia dụng.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc áp dụng giãn cách xã hội trên diện rộng với mục tiêu "Zero Covid" cũng tác động mạnh đến nhu cầu thị trường.

Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị không chỉ ảnh hưởng tới nguồn cung thép, mà còn tác động mạnh tới chi phí sản xuất, khi các nguyên liệu đầu vào quan trọng như than luyện cốc tăng vọt, gây ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của những doanh nghiệp ngành thép.

Thực tế, số liệu tài chính theo quý từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy, đà giảm cũng bắt đầu rõ ràng hơn. Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp lớn ngành thép sau khi đạt đỉnh trong hai quý giữa năm 2021 đều có xu hướng thu hẹp khi ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng.

Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh quý I vẫn ở mức tích cực, chủ yếu do mức nền so sánh thấp. Nhưng nếu so sánh với giai đoạn bùng nổ của ngành thép, bắt đầu từ quý II/2021, kết quả có xu hướng thu hẹp.

Trong Đại hội cổ đông diễn ra ngày 24/5 vừa qua, Chủ tịch thép Hòa Phát Trần Đình Long cũng thừa nhận, hiện ngành thép đang không thuận lợi. “Khi có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, ông Long nói.

Rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu

Theo giới phân tích, xét về trung và dài hạn, ngành thép không hoàn toàn bi quan. Các yếu tố hỗ trợ ngành thép trong thời gian tới có thể đến từ sự phục hồi của giá thép trong khu vực sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và giá than cốc hạ nhiệt trong trung hạn từ mức cao bất thường hiện tại.

Trong nước, với quyết tâm của Chính phủ, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ trong thời gian tới có thể giúp nhóm ngành này được chú ý trở lại.

Nhận định về cổ phiếu thép, trong báo cáo vừa phát hành, SSI Research cho rằng, giá cổ phiếu thép đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép. Với mức định giá hiện tại, rủi ro giảm giá không còn lớn như giai đoạn trước, nhất là đối với nhà đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, đà tăng cũng có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới.

Theo SSI Research, mặc dù sản lượng xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II/2022, song nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.

“Dự báo tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý II và quý III/2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn”, báo cáo nêu.

Theo đó, mặc dù đánh giá cổ phiếu giảm đã phản ánh phần nào triển vọng lợi nhuận, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn do đà đi xuống của giá thép, song SSI Research cũng giảm giá mục tiêu một năm của nhóm cổ phiếu thép như HPG giảm xuống 27.000 đồng/cp; HSG là 17.000 đồng/cp, NKG là 21.000 đồng/cp…

Như vậy, định giá nhóm thép đã về mức hấp dẫn cho dài hạn, song trong ngắn hạn, rủi ro vẫn còn hiện hữu bởi giá nguyên liệu tăng cao cùng giá bán giảm sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

“Hiện giá thép thế giới tiếp tục giảm mạnh, trường hợp xấu, nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái, rất có thể xảy ra cú rơi trên thị trường hàng hóa và giá thép cũng khó tránh. Nhà đầu tư cần lưu ý diễn biến này khi tham gia cổ phiếu thép ở thời điểm hiện tại”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Chứng khoán TP.HCM (HSC) lưu ý.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-nen-xuong-tien-khi-dinh-gia-co-phieu-nganh-thep-da-ve-muc-hap-dan-a153805.html