Đà giảm của VN-Index từ đầu tháng 4/2022 đến nay đi kèm với thanh khoản có xu hướng giảm khiến không ít nhà đầu tư lo ngại, các phiên tăng chỉ là nhịp hồi kỹ thuật, thay vì xác nhận một xu hướng phục hồi rõ ràng. Thực tế, chỉ số giảm sâu, nhưng các nhịp hồi gần đây không đi kèm các điều kiện để xác định thị trường sẽ tích lũy đi lên hay chưa. Chính bởi băn khoăn này nên thanh khoản thị trường chưa có sự cải thiện, thể hiện dòng tiền chưa mạnh dạn tham gia.
Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, thị trường chứng khoán đang tạo cơ hội tốt để tích lũy dần cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn, thậm chí mục tiêu ngắn hạn.
Hiện tại, P/E dự phóng năm 2022 tiệm cận mức 10 lần, trong khi lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự phóng tăng 25%. Như vậy, chỉ số định giá dựa trên tốc độ tăng trưởng thu nhập (PEG) ở mức 0,4 lần, đây là mức 10 năm mới có một lần (PEG nhỏ hơn 1 thể hiện cổ phiếu được giao dịch ở mức giá thấp hơn khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp).
Trong khi đó, vĩ mô đang là yếu tố hỗ trợ thị trường. Ông Bình dự báo, GDP quý III/2022 sẽ tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 10%. Xét cơ cấu GDP 6 tháng đầu năm nay, tiêu dùng tăng trưởng cao, cho thấy tổng cầu hồi phục tốt.
Về đầu tư, cả 3 khu vực gồm nhà nước, ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng từ 9 - 10%, là động lực rất lớn cho nền kinh tế. Một trong những biến số là lạm phát thì áp lực trong thời gian tới có khả năng giảm, bởi giá dầu, thép, cao su đang “hạ nhiệt”, một phần do nhiều nước bắt đầu tăng lãi suất.
Nếu không tính nhóm công ty thép, bất động sản thì kết quả kinh doanh quý II/2022 của các doanh nghiệp ước tính tăng cao so với cùng kỳ, quý III có triển vọng tăng trưởng cao hơn nữa.
Về cơ bản, ông Bình không thấy có lý do để thị trường chứng khoán giảm sâu thêm. Các dòng cổ phiếu đầu cơ có giá tăng đột biến trước đây hiện đã giảm 60 - 70% giá trị và những thông tin xấu đã phản ánh vào thị trường.
Trường hợp lạm phát trên toàn cầu gia tăng, Việt Nam sẽ thuộc nhóm nước ít bị ảnh hưởng, bởi vì nằm ở thượng nguồn chuỗi giá trị thực phẩm, lương thực, thực phẩm chiếm 36% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng. Đối với lãi suất, mức thấp hiện nay khó duy trì. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thì cũng chỉ nhằm ổn định tiền đồng, tránh thiệt thòi so với các nước khác.
“Với tâm thế của một nhà đầu tư dài hạn, bây giờ là thời điểm để chúng ta tích lũy cho 3 - 5 năm tới. Chúng ta sẽ đến một chu kỳ như 2013 - 2018 tăng rất tốt”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, thời điểm thị trường tăng điểm vững vàng dự kiến từ giữa năm 2023, nhưng trong ngắn và trung hạn, kịch bản dành cho VN-Index là dao động phổ biến trong vùng 1.200 - 1.500 điểm. P/E hiện tại đang tương đương năm 2015 - thời kỳ đầu của giai đoạn tăng trưởng kéo dài vài năm. P/E 10 - 11 lần hiện nay là mức bình quân trừ 2 độ lệch chuẩn. Về mặt thống kê, chỉ có xác suất 2,5% P/E nằm dưới vùng này, tức nguy cơ thị trường giảm sâu ở mức rất thấp.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-hoi-tich-luy-co-phieu-cho-chang-duong-dau-tu-dai-han-a153891.html