Vì sao người đứng đầu NXB Giáo dục Việt Nam bị kỷ luật cảnh cáo?

Sau hàng loạt các lùm xùm liên quan đến sách giáo khoa (SGK), ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chính thức ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN), bằng hình thức cảnh cáo.

Ông Nguyễn Đức Thái có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo NXB GDVN tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK.

Đồng thời, ông Thái bị xác định thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy NXBGDVN kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ.

Giá sách giáo khoa tăng 3-4 lần, nỗi lo của phụ huynh trước thềm năm học mới. Ảnh: Như Ý

Là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định, đơn vị này phải công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển; kế hoạch sản xuất, đầu tư; báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng... Tuy nhiên, NXB GDVN không công bố báo cáo tài chính năm 2020, 2021; kế hoạch kinh doanh năm 2021, 2022 trên website lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ GD&ĐT. Giai đoạn trước từ 2016 - 2020, NXB này cũng không công bố các báo cáo trên, dù có tóm lược số liệu tài chính.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng đang thanh tra nhiều hoạt động của NXBGDVN, đơn vị nắm phần lớn thị phần phát hành sách này.

Lãi hàng trăm tỷ đồng nhờ SGK chương trình mới

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại bản”Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021” của NXBGDVN vừa được công bố, có nhiều nội dung đáng chú ý.

Theo đó, năm 2021, NXBGDVN phát hành 164,6 triệu bản SGK, đạt 140% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828,3 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ phân phối SGK và các khoản doanh thu khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế của NXB này đạt 287,4 tỷ đồng, bằng 250% so với kế hoạch mà cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT giao.

Báo cáo nêu: “NXB có tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân 39,9% và tỉ suất lợi nhuận sau thuế/ tổng tài sản 17,9%, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 hiệu quả”. Bảy công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do NXB GDVN nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, tổng cộng đạt 46 tỷ đồng.

Như vậy, khi chưa thực hiện thay SGK mới, hằng năm NXB GDVN đều báo cáo lỗ khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Từ năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giá SGK mới đã tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần.

Lý giải về việc vì sao giá SGK cao hơn hẳn giá hiện hành, NXBGDVN cho rằng có khác biệt cơ bản giữa chi phí tổ chức biên soạn SGK hiện hành và bộ sách mới.

Thứ nhất, về nguồn vốn, việc biên soạn, xuất bản SGK mới là vốn do doanh nghiệp tự đầu tư và vay ngân hàng. Còn đối với sách cũ, là bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng thế giới, NXB GDVN chỉ chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản. Chi phí bản thảo sách hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 bản thảo sách mới.

Thứ hai, nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với sách hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để có tác giả giỏi.

Thứ ba, SGK mới có khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17 x 24 cm) để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, thông qua hình ảnh hóa nội dung... Do đó, chi phí in tăng 23% so với SGK hiện hành.

Đáng chú ý, theo phân tích của NXB GDVN thì việc cạnh tranh khi có nhiều bộ SGK, nhiều NXB làm SGK... lại khiến giá SGK tăng chứ không giảm như với các mặt hàng khác.

Cụ thể trong báo cáo NXB GDVN viết: “Khi có nhiều bộ SGK cùng được xuất bản khiến cho số lượng bản SGK ở mỗi tên sách được phát hành sẽ ít hơn so với khi chỉ có một bộ SGK, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản SGK sẽ cao hơn so với SGK hiện hành. Khi có nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK trong môi trường cạnh tranh kéo theo chi phí cho việc giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông… trong khi giá của SGK hiện hành (cũ) không phải chịu các chi phí này”.

Dù giá SGK mới tăng mạnh, nhưng trong thông cáo báo chí ngày 27/4 về giá SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10, NXBGDVN vẫn khẳng định thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, NXB đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, NXB đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán SGK phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học.

Nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) đang giải quyết đơn tố giác của công dân về việc ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu năm 2013; Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 trong việc thực hiện mua sắm vật tư (giấy in sách giáo khoa) phục vụ năm học 2022-2023. Việc giải quyết đơn tố giác về tội phạm nêu trên được thực hiện theo quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm số 1006/PC03-Đ4 của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội).P.V

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-sao-nguoi-dung-dau-nxb-giao-duc-viet-nam-bi-ky-luat-canh-cao-a154142.html