Biến thể Omicron BA.4, BA.5 có nguy hiểm?

TP HCM ghi nhận 3 ca biến thể phụ BA.5. Các quận, huyện phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.

Chiều 7-7, Sở Y tế TP HCM thông tin thêm về biến thể Omicron BA.4, BA.5 sau khi TP ghi nhận 3 trường hợp mắc biến thể mới Omicron.

Sau khi xuất hiện biến thể Omicron BA.4, BA.5 tỉ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đã tăng nhanh.

Biến thể Omicron có 5 dòng BA.1, BA.2, BA.3, BA.4, BA.5. Cuối tháng 6-2022, riêng Omicron BA.5 đã chiếm tới 36,6% ca mắc ở Mỹ, trong khi BA.4 chiếm 15,7% ca nhiễm. Tính tổng cộng, hai biến thể BA.5 và BA.4 chiếm tới 52% ca mắc Covid-19 mới ở Mỹ.

Các chuyên gia dự báo 2 biến thể này đang dần chiếm chủ đạo và số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những tuần tới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10%-13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc biến chủng Delta trước đó.

Tuy nhiên, đa số các dữ liệu lâm sàng đều cho thấy việc đã tiêm vắc-xin có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và cũng như ngăn việc cần nhập viện điều trị.

Dù các biến thể của Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với nhiễm các biến thể trước đó nhưng các dữ liệu cũng cho thấy biến thể Omicron vẫn có thể gây ra một tỉ lệ nhỏ mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong, nhất là nhóm người nguy cơ.

Ngoài ra, khi có một số lượng lớn ca mắc mới xảy ra đồng thời trong cộng đồng thì vẫn có thể gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe. Khả năng gây các biến chứng hậu Covid-19 của các biến chủng này vẫn là một thách thức lớn đối với y tế cộng đồng, nhất là khi số ca mắc mới quá nhiều.

Bộ Y tế công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.

Riêng TP HCM ghi nhận 3 ca (1 tại huyện Củ Chi, 2 ở TP Thủ Đức). Tất cả mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát định kỳ liên tục của ngành y tế TP.

Theo Sở Y tế TP HCM, ngành y tế đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Tất cả bệnh viện hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng: vừa khám chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc Covid-19 có các bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa/đơn vị điều trị Covid-19.

Cùng với đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố (cùng với các bệnh viện trung ương trên địa bàn TP như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19.

Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh. Bệnh viện này do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phụ trách và sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết.

Các quận, huyện trên địa bàn TP cũng phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.

Sở Y tế TP HCM nhận định quan trọng hơn hết là các biện pháp dự phòng Covid-19 như tuân thủ mang khẩu trang, khử khuẩn khi đến nơi công cộng và tăng cường tiêm vắc-xin. Sở cũng khuyến cáo cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4).

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bien-the-omicron-ba4-ba5-co-nguy-hiem-a154367.html