Dòng tiền vẫn đứng ngoài cuộc, tài khoản mở mới chỉ để "cho vui"?

Dù nhiều nhóm cổ phiếu ngành đã về vùng định giá hấp dẫn sau quãng giảm mạnh thời gian qua song thị trường vẫn chưa ghi nhận các diễn biến rõ nét của dòng tiền bắt đáy cổ phiếu.

dong-tien-van-dung-ngoai-cuoc-1657270595.jpg
Dòng tiền vẫn đứng ngoài cuộc, tài khoản mở mới chỉ để "cho vui"?

Theo số liệu công bố của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), trong tháng 6/2022, tổng số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt 466.483 tài khoản - giảm nhẹ 2% so với cuối tháng 5.

Lũy kế tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 6/2022 đạt gần 6,2 triệu tài khoản. Trong số này có:

- 6.119.911 tài khoản của nhà đầu tư trong nước (gồm 6.105.973 tài khoản cá nhân và 13.938 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức);

- 41.385 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài (gồm 37.208 tài khoản cá nhân và 4.177 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức).

Theo ghi nhận, thị trường chứng khoán vừa trải qua một đợt sụt giảm mạnh với chỉ số VN-Index mất 7,36% trong tháng 6 và lùi về dưới mốc 1.200 điểm; thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể, riêng sàn HOSE, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 6 giảm hơn 30% so với mức trung bình trong nửa đầu năm nay.

Có thể thấy việc số lượng tài khoản chứng khoán mở mới những tháng vừa qua đã không giúp thanh khoản thị trường được cải thiện.

Trong khoảng 3 tháng gần đây, thị trường đã liên tục biến động theo chiều hướng tiêu cực trước hàng loạt các thông tin bên ngoài tác động như chiến tranh Nga - Ukraine, Fed tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, các biện pháp cứng rắn nhằm tăng sự minh bạch trên thị trường...

Việc thị trường biến động tiêu cực đã khiến hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, nhiều mã cổ phiếu đã mất trên 60% và lùi xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng thị giá.

Theo dữ liệu của FiinPro, trên cả 3 sàn giao dịch đến hết phiên 28/6 có tổng cộng 528 mã cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá trong đó 56 mã có khối lượng khớp lệnh bình quân 3 tháng đạt trên 500.000 đơn vị/phiên.

Trong danh sách trên, 218 cổ phiếu ở trên mệnh giá vào thời điểm 6/1 nhưng hiện tại đã về dưới mốc này.

Rất nhiều các "hệ sinh thái" từng "làm mưa làm gió" trên thị trường trong năm 2021 như Louis Holdings, Trí Việt, FLC... đều dần quay trở về mức giá cũ khi liên tục lao dốc.

Dù nhiều nhóm cổ phiếu ngành đã về vùng định giá hấp dẫn sau quãng giảm mạnh thời gian qua song thị trường vẫn chưa ghi nhận các diễn biến rõ nét của dòng tiền bắt đáy cổ phiếu.

Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI, thanh khoản thị trường chứng khoán đã không ngừng tuột dốc trong thời gian gần đây và rõ ràng dòng tiền thực sự đã có sự lo ngại đáng kể.

Có 2 lý do lý giải cho thực trạng này một là sự tham gia của một nhóm đầu cơ hoặc thao túng chứng khoán trước đây đã có sự giảm hẳn; hai là đối với một số nhà đầu tư thì do diễn biến thị trường trong thời gian vừa rồi đã có sự sụt giảm mạnh dẫn đến tâm lý cũng e dè, lo ngại và cảm giác thị trường đang có nhiều rủi ro hơn.

Cũng theo bà Phương, chỉ khi thị trường chứng khoán đem lại cơ hội đầu tư rõ ràng và chắc chắn thì mới kéo được nhà đầu tư quay trở lại.

Tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề: "Hành động trong mắt bão" hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, trong thời gian qua, 60% cổ phiếu trên thị trường ghi nhận mức giảm điểm cao hơn mức giảm của VN-Index. Trong số này, hơn một nửa cổ phiếu giảm trên 20%, nhiều cổ phiếu giảm trên 30%.

Bên cạnh những nguyên nhân về lạm phát hay lãi suất, ông Hiển nhấn mạnh thêm một yếu tố khác là trong 2 năm gần đây, lượng nhà đầu tư tham gia thị trường rất lớn (đến hết tháng 5/2022 đã có đến 5,7 triệu tài khoản - vượt mục tiêu số tài khoản trên số dân vào năm 2025 là 5%).

Đáng nói, số lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường hiện là rất rất hùng hậu. Sự hoạt động mạnh của họ là tác nhân giúp thị trường đi lên bất chấp khối ngoại có 2 năm rút vốn mạnh (năm 2021 là mức kỷ lục). Do đó, những biến cố trong thời gian gần đây đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư dẫn đến làn sóng bán tháo mà không quan tâm đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp hay triển vọng kinh tế.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dong-tien-van-dung-ngoai-cuoc-tai-khoan-mo-moi-chi-de-cho-vui-a154633.html