Tiền thân của Tập đoàn Nam Cường là Tổ hợp Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp và Vận tải Xuân Thủy, được thành lập năm 1984. Tổ hợp này là chủ đầu tư của các dự án lớn ở Hải Phòng và Hải Dương vào những năm đó.
Đến tháng 8/2009, Tổ hợp Tổ hợp Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp và Vận tải Xuân Thủy chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường.
Năm 2010, sau khi chủ tịch thời bấy giờ là ông Trần Văn Cường qua đời thì vợ của ông Cường là bà Lê Thị Thúy Ngà tiếp quản tập đoàn từ đó đến bây giờ.
Sau khi tiếp quản vị trí lãnh đạo tập đoàn, bà Ngà đã chứng tỏ khả năng của mình khi đưa Nam Cường ngày càng tiến xa. Tháng 1/2017, vốn điều lệ của Nam Cường tăng từ 2.255 tỷ đồng lên mức 4.500 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của bà Ngà là 94%, tương đương với 4.230 tỷ đồng. Ngoài ra, Phó Chủ tịch tập đoàn Trần Thị Ngọc Quỳnh, ái nữ của bà Ngà nắm giữ 3% vốn điều lệ, tương đương với 135 tỷ đồng. Cùng với việc tăng vốn, năm 2017 doanh thu của Tập đoàn Nam Cường nhảy vọt lên mức 547 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 10% so với năm trước, đạt 121 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của tập đoàn Nam Cường liên tiếp trồi sụt. Sau khi tăng lên 4.500 tỷ đồng vào đầu năm 2017, vốn điều lệ của tập đoàn Nam Cường lại bất ngờ giảm một nửa xuống còn 2.250 tỷ đồng, sau đó lại tăng lên 4.050 tỷ đồng và lên lại 4.500 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Cùng với sự trồi sụt của vốn điều lệ là sự trồi sụt của lợi nhuận, doanh thu của Tập đoàn Nam Cường. Năm 2018, doanh thu cũng giảm về ngưỡng 300 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, dư nợ vay đã tăng từ 997 tỷ đồng lên gần 1.250 tỷ đồng vào cuối năm.
Đến năm 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Cường đạt 229,3 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Lãi ròng cũng chỉ ở mức 28,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức lợi nhuận năm 2018 là 85 tỷ đồng. Đây cũng là mức đáy lợi nhuận của Tập đoàn Nam Cường, khiến tỷ suất sinh lời thấp gần kỉ lục (0,6%). Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường tiếp tục tăng âm, lên 514 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Cường tiếp tục giảm khi chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi ròng tụt dốc xuống mức -5,5 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận năm 2019 là 28,6 tỷ đồng.
Việc liên tiếp âm dòng tiền kinh doanh là nguyên nhân Tập đoàn Nam Cường phụ thuộc hơn vào các khoản nợ vay. Đầu năm 2021, tổng dư nợ đã tăng lên 1.824 tỷ đồng.
Thời điểm năm 2009, khi thị trường địa ốc sôi động nhất, Tập đoàn Nam Cường là ông trùm địa ốc nắm trong tay các dự án khủng như: Dự án khu đô thị Cổ Nhuế, dự án khu đô thị Phùng Khoang và dự án khu đô thị Dương Nội (hai dự án đối ứng từ dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài).
Thời điểm đó, dù ì ạch triển khai nhưng Tập đoàn này vẫn tự tin xin đầu tư dự án khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất) và dự án Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ). Riêng hai dự án này, tổng số quỹ đất mang về cho Nam Cường có quy mô lên đến gần 1500ha.
Chưa dừng lại ở đó, Tập đoàn Nam Cường còn muốn đầu tư thêm dự án BT Đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Theo đó, Nam Cường được giao quỹ đất đối ứng lên đến gần 2000ha bao gồm 2 dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và dự án khu đô thị sinh thái Chương Mỹ.
Mới đây, Hà Nội rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Đáng chú ý, trong đó có nhiều dự án của Tập đoàn Nam Cường, đáng kể như chậm giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Chương Mỹ; chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Cổ Nhuế.
Cũng tại kết luận thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng, có nêu rõ những sai phạm tại dự án khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) của Tập đoàn Nam Cường.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/loat-sai-pham-khu-do-thi-duong-noi-tap-doan-nam-cuong-ra-sao-duoi-thoi-ba-le-thi-thuy-nga-a154676.html