"Kém duyên" với dự án giao thông
Ngày 4/7/2022, thông tin Tập đoàn Geleximco gửi văn bản đến Bộ GTVT xin chủ trương đề xuất lập dự án đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo hình thức Đối tác công - tư (PPP) nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Sau gần 5 năm vắng bóng trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, Geleximco tiếp tục trở lại với đề xuất tham gia vào dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo hình thức PPP - Ảnh minh họa
Theo chia sẻ của một chuyên gia giao thông, Geleximco là cái tên “lạ mà quen” trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Đi sâu vào tìm hiểu, được biết, vào tháng 10/2016, Geleximco đã cùng Cty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) đề nghị Bộ GTVT cho phép tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam theo hình thức PPP.
Theo đề xuất, liên danh Geleximco và HUI sẽ tham gia một số dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP.HCM - Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Dự án của Geleximco và HUI cũng nhắc đến việc cùng làm dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, tính đến nay, dự án sân bay Long Thành đã khởi công được khoảng 1,5 năm; nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đi quá nửa chặng đường nhưng cái tên Geleximco vẫn “vắng bóng”.
Xác nhận với Báo Giao thông, đại diện Ban điều hành các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đoạn từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh cho biết, quá trình lựa chọn nhà đầu tư thời điểm các dự án (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) được định hướng thực hiện theo hình thức PPP (sau có quyết định chuyển sang đầu tư công) đều không thấy sự xuất hiện của Geleximco.
Riêng dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt là một trong ba dự án đang triển khai theo hình thức PPP, theo đại diện Ban QLDA 6, quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị cũng không nhận được hồ sơ ứng tuyển của Geleximco.
“Có thể khi dự án được chủ trương hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước do là dự án quan trọng quốc gia, đối tác liên danh của Geleximco không thể tham gia nên họ đã từ bỏ việc ứng tuyển tham gia đầu tư tại dự án cao tốc Bắc - Nam”, đại diện một Ban QLDA nhận định.
Trước đó, tháng 8/2013, Geleximco gây xôn xao giới đầu tư khi bất ngờ có văn bản gửi Thủ tướng và các cơ quan liên quan đề xuất dừng triển khai dự án đường bộ cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và xem xét đầu tư bằng các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đây là dự án Geleximco được UBND tỉnh Hòa Bình lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện công trình theo hình thức BT (quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 16/5/2008).
Một tháng sau đó (9/2013), UBND tỉnh Hòa Bình đã báo cáo Thủ tướng và được Chính phủ cho phép chấm dứt Hợp đồng dự án theo quy định pháp luật.
Nguyên nhân của sự việc này sau đó được UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo do quá trình triển khai dự án các xã Đông Xuân, Tiến Xuân (huyện Lương Sơn) được hợp nhất về Hà Nội, do đó quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư không còn.
Phần lớn diện tích đất dự kiến giao cho các nhà đầu tư lập dự án khác đã được điều chỉnh địa giới về Hà Nội. Việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo hình thức BT là khó đảm bảo tính khả thi.
Năm 2017, Tập đoàn Geleximco tiếp tục được nhắc đến khi có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp này cùng đối tác được tham gia vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với tỷ lệ tối thiểu khoảng 70% trong bối cảnh dự án gặp khó trong huy động vốn tín dụng.
Thế nhưng, đề xuất này của Geleximco sau đó cũng bị khước từ do Bộ GTVT xác định nhà đầu tư dự án khi ấy vi phạm hợp đồng dự án, chưa hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng, không thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dự án.
Thời điểm hiện tại, "vốn" dự án giao thông của Geleximco được giới thiệu chỉ duy nhất có dự án Trung tâm logistcis và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ - Ảnh chụp từ website doanh nghiệp
Giao thông có phải là hoạt động cốt lõi?
Gửi văn bản đề xuất tham gia cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo hình thức PPP, Tập đoàn Geleximco được giới thiệu tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng.
Đến nay, Geleximco có vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng; tổng tài sản 52.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động.
Theo tìm hiểu, thời điểm hiện tại, dự án duy nhất Geleximco đang tham gia liên quan đến lĩnh vực giao thông dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ với tổng số vốn đầu tư khoảng 435 triệu USD.
Geleximco cho biết, dự án này đang được doanh nghiệp tiến hành các bước đầu tư.
Dù đã và đang đề xuất tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, song, giới thiệu trên website của mình, Geleximco vẫn xác định xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Sản xuất công nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Bất động sản; Thương mại - Dịch vụ và Nông nghiệp công nghệ cao.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức, trước bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông ngày càng lớn với mục tiêu Việt Nam sẽ có 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, sự tham gia góp sức của các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân là vô cùng cần thiết.
Mặc dù vậy, đối với các dự án giao thông quan trọng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải được thực hiện chặt chẽ. Bên cạnh tiêu chí về nguồn lực tài chính còn phải xét đến năng lực thực hiện, đặc biệt đối với các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc chưa có “vốn” dự án dày dặn trong lĩnh vực giao thông.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/geleximco-la-ma-quen-voi-cac-du-an-dau-tu-cao-toc-a154853.html