Khẩn trương điều tra vụ ám sát ông Abe Shinzo

Văn phòng của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết tang lễ của ông sẽ được tổ chức trong ngày 11 và 12-7

Phu nhân Abe Akie sẽ chủ trì tang lễ cho chồng tại một ngôi đền ở thủ đô Tokyo và chỉ có các thành viên gia đình cùng những người thân thiết với cố thủ tướng tham dự, theo đài NHK. Hãng tin Kyodo đưa tin phu nhân Akie cũng là người đưa thi thể ông Abe về lại nhà riêng tại Tokyo trong ngày 9-7 và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có mặt tại đây.

Dòng người bày tỏ niềm tiếc thương với cố Thủ tướng Abe nối dài mãi bên ngoài nhà riêng của ông và tại nơi mà ông ngã xuống hôm 8-7, một nhà ga ở trung tâm thành phố Nara, cách Tokyo khoảng 450 km về phía Tây Nam.

"Tôi sốc lắm khi ở Nara lại xảy ra chuyện như vậy" - bà Natsumi Niwa, một nội trợ 50 tuổi, nói với Reuters sau khi đặt hoa tưởng niệm. Bà đi cùng cậu con trai 10 tuổi tên Masakuni. Tên cậu bé, theo bà Niwa, lấy cảm hứng từ niềm tin "đất nước xinh đẹp" của cố Thủ tướng Abe - "kuni" trong tiếng Nhật nghĩa là "đất nước".

Bên cạnh việc tưởng niệm vị thủ tướng quá cố, cử tri Nhật Bản vẫn đi bỏ phiếu bầu thượng viện trong ngày 10-7 theo đúng kế hoạch. Hầu như tất cả các đảng tham gia cuộc đua đã hủy bỏ hoạt động tranh cử vào ngày 8-7 song đều nối lại vào ngày 9-7.

Đoàn xe đưa thi thể cố Thủ tướng Abe Shinzo về lại thủ đô Tokyo hôm 9-7 Ảnh: REUTERS

Cuộc bỏ phiếu ngày 9-7 sẽ quyết định 125 ghế thượng viện, theo đài NHK. Khi bị ám sát, ông Abe đang vận động tranh cử cho thành viên của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.

Giới chuyên gia dự đoán liên minh cầm quyền do Thủ tướng Kishida dẫn dắt sẽ giành thắng lợi, qua đó tạo điều kiện cho ông "tiếp tục theo đuổi mục tiêu chưa hoàn thành của ông Abe là sửa đổi hiến pháp để Nhật Bản có vai trò quân sự mạnh mẽ hơn" - ông James Brady, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Teneo, nhận định với Reuters.

Bản thân Thủ tướng Kishida cũng quay lại guồng vận động sau khi khẩn cấp trở về Tokyo. Báo Asahi cho biết vào khoảng 11 giờ ngày 9-7 (giờ địa phương), ông Kishida phát biểu tại TP Fuji-Yoshida, tỉnh Yamanashi.

"Một số người nói không nên phát biểu trước công chúng sau vụ ám sát nhưng với tư cách là thủ tướng của Nhật Bản, tôi có trách nhiệm chuyển tải những tư duy của cựu Thủ tướng Abe và hoàn thành cuộc bầu cử thượng viện một cách tự do, công bằng và an toàn để bảo vệ nền dân chủ".

Dù vậy, tại nơi Thủ tướng Kishida phát biểu đã xuất hiện một máy dò kim loại và đám đông cảnh sát. An ninh cho các yếu nhân trở thành vấn đề nóng tại Nhật sau vụ ám sát ông Abe dù nước này rất hiếm khi xảy ra bạo lực chính trị và bạo lực súng đạn.

Theo đài CNN, trong cuộc họp báo ngày 9-7, Cảnh sát trưởng tỉnh Nara - ông Tomoaki Onizuka - thừa nhận "có vấn đề trong việc bảo vệ ông Abe". Cựu thủ tướng bị bắn ở cự ly gần trong lúc phát biểu ngoài đường. Chỉ hơn 5 giờ sau khi trúng đạn, ông được tuyên bố tử vong (vào lúc 17 giờ 3 phút chiều 8-7).

Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cũng xem xét lại kế hoạch an ninh nói trên, vốn có sự tham gia của cảnh sát tỉnh Nara và nhiều sĩ quan, nhân viên an ninh của Sở Cảnh sát Vùng Tokyo. Dù được bảo vệ từ nhiều hướng, ông Abe vẫn dễ dàng bị kẻ ám sát tiếp cận và nổ 2 phát súng cướp đi sinh mạng.

Đài NHK dẫn thông tin cảnh sát cho biết ông Abe qua đời vì mất máu sau khi một viên đạn xuyên từ bắp tay trái lên phá vỡ một động mạch bên dưới xương đòn của ông.

Cũng theo cảnh sát, rõ ràng ý đồ của hung thủ Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, là giết chết ông Abe và họ đang khẩn trương điều tra động cơ của y.

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin cảnh sát tiết lộ Yamagami khai y sát hại ông Abe vì tin rằng ông có liên quan đến một nhóm tôn giáo mà y cho là đã khiến cho mẹ mình quyên góp đến phá sản, đẩy gia đình vào cảnh tan vỡ. Cảnh sát chưa xác định nhóm này. Nghi phạm phủ nhận ra tay vì phản đối quan điểm chính trị của ông Abe.

Để lại khoảng trống chính trị lớn

Với tư cách là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nhật Bản, cố Thủ tướng Abe Shinzo đã để lại cái bóng to lớn trên chính trường Nhật Bản. Trong 2 nhiệm kỳ cuối trước khi từ chức - kéo dài 7 năm 8 tháng, ông Abe đã ủng hộ các sáng kiến cải cách kinh tế và an ninh quốc gia đầy tham vọng, có tác động lâu dài đối với xã hội.

Theo báo Asahi, Thủ tướng Kishida Fumio thường tham khảo ý kiến của người tiền nhiệm trước khi đưa ra các quyết định chính sách lớn. Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Abe cũng góp phần dẫn dắt Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử quốc gia.

Ông Abe còn có quan điểm mạnh mẽ về gói biện pháp kinh tế "Abenomics" được khen ngợi, bao gồm chính sách nới lỏng tiền tệ và chi tiêu mạnh tay của chính phủ. Một số cộng sự của ông Kishida lo ngại việc vội vã lấp đầy khoảng trống do sự ra đi của ông Abe để lại sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng hiện tại.

Các thành viên LDP đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong cả nội các của ông Kishida và liên minh cầm quyền. Họ bao gồm Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi (cũng là em trai của ông Abe), Bộ trưởng Kinh tế Koichi Haguida và ông Tatsuo Fukuda, chủ tịch Hội đồng chung, cơ quan ra quyết định của LDP. Một thành viên trong ban lãnh đạo LDP cho biết: "Ông Abe là chính trị gia nổi tiếng nhất của Nhật Bản, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài".

Di sản của ông Abe cũng được nhắc đến trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9-7. Trong cuộc điện đàm, ông Biden gửi lời chia buồn về việc cố Thủ tướng Abe bị sát hại, đồng thời khẳng định ông và nhân dân Mỹ sát cánh với quốc gia đồng minh châu Á vào thời điểm khó khăn này. Khi còn đương nhiệm, ông Abe từng được vinh danh là một trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí Time bình chọn vào năm 2014 và 2018.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/khan-truong-dieu-tra-vu-am-sat-ong-abe-shinzo-a155034.html