Các cổ phiếu tăng trưởng đã kéo cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (11/7). Tâm lý tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro của nhà đầu tư bị đẩy cao hơn, khi lần đầu tiên trong hơn hai năm, Macau lại đóng của tất cả các sòng bạc để ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
"Thị trường đang rất căng thẳng. Tất cả đang ‘nín thở’ đón chờ mùa báo cáo kết quả kinh và chờ xem dữ liệu lạm phát Mỹ sẽ nói lên điều gì”, chiến lược gia đầu tư cấp cao Rob Haworth tại U.S. Bank Wealth Management – có trụ sở tại Seattle – nhận xét. "Chúng ta biết rằng lạm phát đang chịu sức ép từ áp lực nguồn cung và Trung Quốc là một nhân tố quan trọng. Việc Macau đóng cửa các sòng bạc sáng nay đã dội một ‘gáo nước lạnh’ lên thị trường”.
Dự kiến, một loạt ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase & Co, Citigroup Inc và Wells Fargo & Co sẽ mở đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 trong tuần này.
Giới phân tích dự báo các công ty sẽ báo cáo một quý lợi nhuận giảm mạnh do phải tăng dự phòng rủi ro tín dụng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái.
Vào cuối tuần, một loạt dữ liệu kinh tế, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng, doanh số bán lẻ và sản lượng sản xuất, sẽ mang đến cái nhìn sơ lược về việc lạm phát Mỹ đã tăng đến mức nào và nền kinh tế đã hạ nhiệt ra sao trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị có cuộc họp chính sách vào tuần tới. Tại phiên họp tháng 7, Fed được dự báo sẽ có đợt điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp.
“Thị trường đang cố gắng thận trọng trước khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố”, ông Haworth bình luận. "Chúng tôi hy vọng CPI sẽ giảm để làm cơ sở cho Fed có động thái mềm mỏng hơn. Nhưng mặt khác, có rất nhiều lý do để tin rằng lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao và Fed sẽ vẫn quyết liệt trong hành động của mình”.
Thị trường hiện đang dự báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản nhằm chống lại lạm phát – một chiến thuật mà nhiều người lo rằng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vốn đã hạ nhiệt rơi vào suy thoái.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 164,31 điểm xuống còn 31.173,84 điểm, tương đương mức giảm 0,52%. Còn chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt mất 44,95 điểm (tương đương 1,15%) và 262,71 điểm (2,26%) xuống còn 3.853,43 điểm và 11.372,6 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, nhóm dịch vụ viễn thông giảm mạnh nhất, còn nhóm cổ phiếu tiện tích tăng mạnh nhất.
Trước khi các ngân hàng lớn khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh và thứ Năm và thứ Sáu tuần này, kết quả kinh doanh của PepsiCo và Delta Air Line (DAL.N) dự kiến lần lượt được công bố vào thứ Ba và thứ Tư.
Tính đến thứ Sáu tuần trước, giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích lũy quý 2 của các công ty trong S&P 500 đạt khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức dự báo 6,8% đưa ra hồi đầu quý, theo Refinitiv.
Trong phiên hôm qua, giá cổ phiếu Twitter lao dốc 11,3% sau khi tỷ phú Elon Musk thông báo sẽ chấm dứt thương vụ mua lại công ty này.
Giá cổ phiếu của các công ty điều hành sòng bạc Mỹ Las Vegas Sands, Wynn Resorts và Melco Resorts cũng giảm từ 6,3% đến 9,6% sau tin Macau đóng cửa tất cả sòng bạc để ứng phó với đợt bùng phát Covid tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch này nổ ra.
Chỉ số Khách sạn, Nhà hàng và Giải trí S&P 1500 cũng giảm 1,5%.
Giá dầu trong phiên 11/7 không biến động nhiều khi thị trường cân bằng trước mối lo về nhu cầu được dự báo sẽ giảm do xét nghiệm Covid hàng loạt ở Trung Quốc và lo ngại về nguồn cung bị hạn chế.
Giá dầu Brent giao tháng 9 tăng 8 cent - tương đương 0,1% lên 107,1 USD/thùng. Trong khi đó, giá đầu WTI giảm 70 cent, tương đương 0,7%, còn 104,09 USD/thùng.
“Thị trường dầu đang bị kéo theo hai hướng với các yếu tố cơ bản bị thắt chặt trước mối lo về nhu cầu trong tương lai và các dấu hiệu nhu cầu giảm do giá gây ra”, các nhà phân tích tại EBW Analytics nhận định trong một báo cáo.
Đầu phiên hôm qua, thị trường biến động mạnh sau thông tin rằng Trung Quốc phát hiện ca nhiễm biến thể phụ của biến thể Omicron ở Thượng Hải – được dự báo có thể dẫn tới một đợt xét nghiệm hàng loạt khác tại đây và ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu.
"Tác động tổng hợp của mối lo ngại suy giảm kinh tế toàn cầu và một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới xảy ra vào đời điểm tồi tệ nhất của thị trường dầu”, báo cáo của Investec Risk Solutions viết.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá so với một loạt tiền tệ khác, lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2002, cũng gây áp lực với giá dầu. Đồng USD mạnh làm giảm nhu cầu dầu vì khiến cho nhiên liệu này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua sử dụng đồng tiền khác.
Ngân hàng JP Morgan cho rằng thị trường dầu đang bị kẹt giữa lo ngại về khả năng ngừng cung cấp của Nga và nguy cơ suy thoái kinh tế.
"Rủi ro vĩ mô đang ngày càng tác động theo cả hai phía. Việc Nga có thể giảm xuất khẩu dầu 3 triệu thùng/ngày để trả đũa các biện pháp trừng phạt là một mối đe dọa hiện hữu. Nếu được thực hiện, việc này sẽ khiến giá dầu thô Brent tăng lên khoảng 190 USD/thùng", ngân hàng Mỹ nhận định trong một báo cáo. “Mặt khác, tác động của tăng trưởng nhu cầu giảm đáng kể trong các kịch bản suy thoái sẽ khiến giá dầu thô Brent bình quân ở quanh mức 90 USD/thùng trong trường hợp suy thoái nhẹ và 78 USD/thùng trong trường hợp suy thoái nghiêm trọng hơn”.
Bên cạnh đó, một câu hỏi lớn khác là dòng chảy dầu thô từ Kazakhstan qua hệ thống đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) sẽ còn được duy trì bao lâu nữa. Đến nay, nguồn cung dầu vẫn đang chảy qua đường ống này – nơi vận chuyển khoảng 1% lượng dầu toàn cầu – bất chấp việc một tòa án Nga ngày 5/7 phán quyết đình chỉ hoạt động ở đây.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/sandp500-nasdaq-lao-doc-gia-dau-giang-co-a155495.html