Lợi dụng dịch Covid-19 để tâng bốc sản phẩm NEOMIL
Trong bài viết có nhan đề "Sản phẩm NEOMIL của Công ty Cổ phần Công nghệ Dược phẩm NAFACO: ‘Thổi phồng’ công dụng, chất lượng", Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề cập tới tình trạng các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng y học nhãn hiệu NEOMIL do Công ty Cổ phần Công nghệ Dược phẩm NAFACO phân phối được quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật về công dụng, chất lượng trên mạng xã hội và nền tảng internet.
Tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm NEOMIL, nhóm phóng viên nhận thấy, trên nhiều hội nhóm và trang Facebook, Zalo hiện cũng đang quảng cáo rầm rộ về sản phẩm này. Không chỉ quảng cáo trái phép các sản phẩm NEOMIL giống với thuốc chữa bệnh, một số trang còn lợi dụng dịch Covid-19, sử dụng hình ảnh nhân viên y tế để lồng ghép nội dung quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm sữa NEOMIL.
Điển hình như trên trang Facebook "Neomil Nano - Dinh dưỡng chuyên biệt cho người sau phẫu thuật" đăng tải hàng loạt bài viết tư vấn liên quan tới việc phòng dịch và các bổ sung dinh dưỡng cho người mắc Covid-19. Sau khi phân tích các thông tin liên quan tới Covid-19, trang này thường lồng ghép thêm những thông tin quảng cáo cho rằng sữa NEOMIL NANO "bổ sung Immunecanmix - nguyên liệu tăng miễn dịch thế hệ mới nhất giúp cơ thể đề kháng tốt trước các tác nhân gây bệnh" và có khả năng tăng cường hệ miễn dịch "phòng các loại bệnh xương khớp, tiêu hóa, ung thư, suy giảm trí nhớ". Hay như trên trang Facebook "Sữa Non Miễn Dịch Neomil Lactoferrin - Dinh Dưỡng Cho Người Bệnh Phổi", sản phẩm NEOMIL LACTOFERRIN được quảng cáo có khả năng ngăn ngừa cơn bão Cytokine sau Covid-19".
Tuy nhiên trên thực tế, chưa có cơ quan chức năng hay cơ quan y tế nào công nhận công dụng của sản phẩm NEOMIL đối với những người mắc Covid-19. Bản thân Công ty Cổ phần Công nghệ Dược phẩm NAFACO cũng chưa đưa ra kết quả nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào cho thấy sản phẩm có tác dụng hay tác động đến việc cải thiện sức khoẻ của những người mắc Covid-19.
Khuyến cáo sử dụng sản phẩm "bừa bãi"
Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm dinh dưỡng y học còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes, Medical Food) là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Quy định là thế nhưng trên các trang Facebook và website phân phối sản phẩm NEOMIL, sản phẩm được rao bán công khai, mua bán rất dễ ràng. Người bán cũng chỉ chăm chú vào việc "thổi phồng" chất lượng sản phẩm, "thao thao bất tuyệt" quảng cáo về công dụng sản phẩm mà quên mất rằng, đây là một sản phẩm "chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế" theo luật định.
Như trên trang "Suagiadinh.vn", sản phẩm sữa NEOMIL CARE được quảng cáo là "dinh dưỡng chuyên biệt cho người ung thư, với tinh chất nghệ Nano từ CHLB Đức giúp vết thương mau lành, chống dính, giảm sẹo lồi. Neomil Care là dòng sữa cao năng lượng (1.5kcal/ml – gấp 1.5 lần các loại sữa thông thường), giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch. Độc đáo với công thức chứa tinh nghệ Nano Curcumin giúp hạn chế sự phát triển tế bào ung thư, giảm độc tính hóa trị, xạ trị".
Như vậy, từ một sản phẩm dinh dưỡng y học được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh phút chốc đã biến thành sản phẩm có chức năng "hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư, giảm độc tính hoá trị, xạ trị". Nếu như chỉ tin vào những lời quảng cáo về sản phẩm NEOMIL mà không hiểu rõ về loại thực phẩm này, người dùng rất dễ nhầm lẫn sản phẩm này với một loại thuốc chữa bệnh ung thư.
Thêm vào đó, việc chưa có bằng chứng hay kết quả nghiên cứu khoa học nào liên quan tới hiệu quả sản phẩm NEOMIL CARE đối với các bệnh nhân ung thư cũng khiến người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng sản phẩm này. Trường hợp sử dụng bừa bãi sản phẩm dinh dưỡng y học NEOMIL CARE mà không có sự giám sát của nhân viên y tế, người tiêu dùng sẽ gặp phải rủi ro nào? Ảnh hưởng tới sức khoẻ ra sao?
Liệt kê thành phần sản phẩm để "bẫy" người tiêu dùng
Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế cũng quy định: "Công bố khuyến cáo về sức khỏe phải đúng bản chất của sản phẩm, chỉ công bố công dụng của thành phần cấu tạo có công dụng chính hoặc công bố công dụng hợp thành của những thành phần cấu tạo khi có bằng chứng khoa học chứng minh và không công bố công dụng theo cách liệt kê công dụng của các thành phần".
Tuy nhiên, sản phẩm NEOMIL NANO lại được quảng cáo bằng cách liệt kê công dụng của các thành phần có trong sản phẩm, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu mới là công dụng thực tế của sản phẩm.
Cụ thể, trên website https://www.neomilnano.com/, sản phẩm sữa NEOMIL NANO được quảng cáo "chứa Nano Curcumin từ CHLB Đức, có sinh khả dụng gấp 185 lần tinh nghệ thường. Tinh nghệ Nano giúp vết thương mau lành, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, mau liền sẹo chống dính sau phẫu thuật giúp "nhanh liền vết mổ, phẫu thuật". Sản phẩm này cũng được quảng cáo "chứa tinh nghệ Nano Curcumin giúp hạn chế sự phát triển tế bào ung thư, giảm độc tính hóa trị, xạ trị" và có "nguyên liệu tăng mïễn dịċh thế hệ mới Immunecanmix được đánh giá là chất trợ sinh miễn dịch".
Lợi dụng hình ảnh, bác sĩ để quảng cáo, thổi phồng chất lượng sản phẩm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Tuy nhiên, thời gian qua, sản phẩm sữa nhãn hiệu NEOMIL NANO vẫn được một số cá nhân, tổ chức quảng cáo đi kèm hình ảnh bác sĩ như GS Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Ung thư Hà Nội, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội; ThS. Bác sĩ Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia).
Hình ảnh hai bác sĩ này được quảng cáo đi kèm với những nhận xét về ưu điểm của sản phẩm NEOMIL NANO cũng như những lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư, người sau mổ, người sau phẫu thuật nên dùng sản phẩm NEOMIL NANO. Tuy nhiên, chưa rõ tính thật-giả của thông tin chia sẻ này có phải do hai chuyên gia nói hay các cá nhân, tổ chức quảng cáo tự cắt ghép, lồng ghép nội dung trái quy định.
Công ty Cổ phần Công nghệ Dược phẩm NAFACO có chịu trách nhiệm
Có thể thấy, dù chỉ là sản phẩm dinh dưỡng, sữa non và thực phẩm dinh dưỡng y học nhưng sản phẩm sữa thương hiệu NEOMIL đã được “thổi phồng” công dụng, chất lượng so với thực tế, dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm sữa, thực phẩm này với các loại thuốc chữa bệnh. Thậm chí, bằng nhiều chiêu trò quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng rất dễ mắc bẫy khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm này.
Trong khi đó, theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Đối với những thông tin về việc sản phẩm NEOMIL quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty Cổ phần Công nghệ Dược phẩm NAFACO có chịu trách nhiệm? Vì sao các sản phẩm lại được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh dễ khiến người dùng hiểu nhầm? Những website, fanpage quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm NEOMIL có phải do công ty này điều hành? Nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, người tiêu dùng có được bồi thường?
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vach-tran-chieu-tiep-thi-gian-doi-ve-chat-luong-san-pham-sua-neomil-a155525.html