Lãi suất tăng, có nên vay tiền mua nhà lúc này?

Nhiều người mua nhà ở thực đang mắc kẹt khi tín dụng vào bất động sản bị siết chặt, khả năng tiếp cận nguồn vốn vô cùng gian nan. Tuy nhiên, ngay cả khi được giải ngân, không ít người cũng như “ngồi trên đống lửa” trong bối cảnh lãi suất tăng, vật giá leo thang.

Năm 2020, khi lãi suất ngân hàng giảm, anh Lê Hoàng Nam (Hà Nội) quyết định vay 1,3 tỷ đồng, tương đương 50% tổng giá trị, để mua một căn hộ có diện tích 70m2 tại Bắc Từ Liêm. Ở tuổi 29, việc có được căn nhà đầu tiên từng là niềm tự hào của Nam, nhưng nay lại trở thành cơn “ác mộng”.

Áp lực lãi suất “đè nặng”

Cụ thể, theo anh Nam, khoản vay của anh từ tháng 6/2020 có lãi suất 5,8%, ưu đãi trong 12 tháng đầu, đến giữa năm 2021 lãi suất thả nổi tăng lên 8%, và thời gian tới dự báo tăng lên gần 10%/năm.

“Sau một năm, hết ưu đãi, tôi bắt đầu phải trả lãi, cộng thêm nợ gốc, hiện mỗi tháng tiêu tốn gần 25 triệu đồng. Gánh nặng từ chi phí sinh hoạt của cả nhà (hai vợ chồng và 1 con nhỏ), vật giá liên tục leo thang, chưa kể lãi suất theo xu hướng tăng khiến tôi gần như kiệt sức”, anh Nam thổ lộ.

Không chỉ với khoản vay hiện hữu, nhiều khách hàng vay mới cũng đang “run rẩy” trước áp lực lãi suất tăng. Gần 2 tháng qua, anh Nguyễn Quốc Trung (Gia Lâm, Hà Nội) đau đầu vì phải cân nhắc các gói vay mua nhà, vì các ngân hàng thắt chặt tín dụng, hạn mức giảm, lãi suất tăng.

Anh Trung cho biết, hồi tháng 3/2022, anh tìm hiểu tại một ngân hàng thuộc nhóm Big 4, có gói vay ưu đãi lãi suất 8,1% trong vòng 2 năm đầu, sau đó thả nổi khoảng 10%. Vì nhiều lý do nên anh còn chần chừ, đến nay thì lãi suất của gói vay này tăng lên 9,7%, sau 3 năm thả nổi.

Xuất phát điểm với những khó khăn khi giá nhà đất tăng phi mã, thời gian qua, những người mua nhà ở thực tiếp tục vướng trở ngại trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vì ngân hàng hết “room”, và đến nay là lãi suất tăng. Khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất hiện nay là từ 4,99%/năm.

lai-suat-bds-1657608274.jpg Lãi suất vay mua nhà tăng khiến áp lực đè lên vai người có thu nhập thấp ngày càng nặng nề.

Cụ thể, tại Ngân hàng MSB, lãi suất vay mua nhà được áp dụng mức từ 4,99%/năm, nhưng chỉ cố định trong 3 tháng đầu, đến tháng thứ 4 sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường. PvcomBank theo sau với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm, cố định trong 6 tháng đầu, sau đó lãi suất phải trả 12%/năm.

Các ngân hàng khác như TPBank cho vay mua nhà từ 5,9%/năm, BIDV 6,2%/năm, OCB 6,99%/năm, ABBank từ 8,49%/năm,... Ở một số ngân hàng quốc tế, các gói vay có lãi suất tốt hơn, tuy nhiên hồ sơ phải “sạch”, tài sản thế chấp được thẩm định gắt gao và phí phạt cao (ở mức 4-6%).

Các ngân hàng nước ngoài như Woori Bank, Hong Leong Bank, UOB đang cho vay mua nhà với lãi suất từ 6,1 - 6,49%/năm... Cá biệt, Shinhan Bank từng là ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn nhất với 4,9%/năm, tuy nhiên hiện nay lãi vay mua nhà tại đây đã lên tới 8,2%/năm.

Cân nhắc khả năng trả nợ

Hồi đầu tháng 6/2022, khi các vấn đề bất động sản được đưa lên nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc siết tín dụng chỉ nhắm vào các dự án thiếu tính pháp lý, ít tính khả thi, còn với người có nhu cầu vay mua nhà ở sẽ không bị ảnh hưởng.

Nhưng thực tế cho thấy, áp lực vay mua nhà của người dân đang ngày càng gia tăng. Không ít người đã đánh mất cơ hội có nhà hoặc vướng vào thế bí vì đột ngột bị ngân hàng lùi ngày giải ngân.

Trước những gánh nặng đang hiện hữu, các chuyên gia tài chính khuyến cáo người dân nên thận trọng với các khoản vay. Dự báo trong thời gian tới, lãi vay mua nhà sẽ tiếp tục tăng, bởi khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay.

Theo đó, các hộ gia đình cần tính toán để không dành nhiều hơn 30-40% tổng thu nhập hàng tháng cho nhà ở. Giới hạn này nhằm đảm bảo chi phí dành cho các nhu cầu cơ bản hàng ngày khác như thực phẩm, đi lại, y tế... Cần lưu ý, chi phí cho nhà ở bao gồm tất cả các khoản điện, nước, bảo trì, sửa chữa nhà...

“Nếu tổng thu nhập của gia đình là 25 triệu đồng/tháng, số tiền dành cho nhà ở không nên vượt quá 7,5- 10 triệu đồng, dù là đang thuê hay mua trả góp. Với thu nhập dưới 50 triệu đồng/tháng và chỉ mới tích lũy được 20-30% giá trị, tốt nhất không nên mua nhà bằng mọi giá”, một chuyên gia phân tích.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn tăng mạnh, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền trở lại, do đó sớm muộn lãi suất cho vay, trong đó có vay mua nhà sẽ phải điều chỉnh tăng.

Vì vậy, người mua nhà luôn cần tính toán kỹ khả năng và dòng tiền chi trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng. Bởi lẽ thông thường thời gian đầu vay vốn, khách hàng sẽ được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi, nhưng hết thời gian ưu đãi, lãi suất được thả nổi theo thị trường.

''Trước khi mua nhà trả góp, đặt bút ký hợp đồng vay vốn dài hạn, người mua nhà cần phải tính toán chi tiết, cân nhắc kỹ càng để tránh trường hợp khi lãi suất tăng cao lại nằm ngoài khả năng thanh toán hoặc rơi vào tình huống phải bán nhà vì áp lực tài chính quá lớn'', ông Thịnh nhấn mạnh.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lai-suat-tang-co-nen-vay-tien-mua-nha-luc-nay-a155587.html