HNR: Chủ hãng rượu Vodka báo lỗ quý thứ 20 liên tiếp

CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội - Halico (Mã chứng khoán: HNR) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 và lũy kế 6 tháng đầu năm. Trong quý II, HNR tiếp tục thua lỗ, nâng mức lỗ lũy kế lên 476 tỷ đồng, cao hơn vốn góp chủ sở hữu.

chu-hang-ruou-vodka-bao-lo-quy-thu-20-lien-tiep-1657768711.jpg
Chủ hãng rượu Vodka báo lỗ quý thứ 20 liên tiếp

Ngoài ra, doanh nghiệp này có thêm nguồn doanh thu gần 1,5 tỷ đồng từ hoạt động tài chính nhưng chi phí bỏ ra gần 13 tỷ đồng nên thâm hụt vào nguồn thu.

Kết quả, HNR lỗ hơn 2,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lỗ lên đến 12,6 tỷ. Đây là quý lỗ thứ 20 liên tiếp của Halico, nâng mức lỗ luỹ kế lên 476 tỷ đồng.

Mặc dù mức lỗ này đã cao hơn vốn góp của chủ sở hữu (200 tỷ đồng), nhưng nhờ đang ghi nhận hơn 613 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển nên vốn chủ sở hữu của Halico chưa âm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu HNR tăng 15% lên mức 61 tỷ đồng so với cùng kỳ, các khoản giảm trừ doanh thu giảm 1,11 tỷ đồng do cắt giảm các chương trình chiết khấu không đem lại hiệu quả. Kết quả, HNR lỗ sau thuế 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 13,63 tỷ đồng.

Quý I/2022 vừa qua, HNR ghi nhận doanh thu thuần đạt 28,7 tỷ đồng, giảm đến 20% so cùng kỳ. Giá vốn chiếm 22 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ còn 6,5 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so con số 11,3 tỷ đồng của cùng kỳ.

Tuy nhiên thu không đủ bù chi nên lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 của Halico ghi âm gần 3,7 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so mức lỗ hơn 1 tỷ của cùng kỳ. Nâng lỗ lũy kế lên 475 tỷ đồng.

"Chìm sâu" trong thua lỗ

Năm 2022, HNR cho biết sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tiêu thụ rượu bia và dự kiến tiếp tục tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt lên 75%.

Bên cạnh đó, Công ty cho biết vẫn phải đối mặt với việc cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm rượu tư nhân trốn lậu thuế cùng với rượu dân tự nấu không đảm bảo chất lượng. Mặt khác tình hình dịch bệnh tiếp diễn phức tạp cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, phát sinh thêm chi phí cũng như sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Song song, giá các nguyên vật liệu chính phụ như chai, nút, nhãn, thùng carton, gạo,... cùng cước phí vận chuyển đều tăng mạnh từ 10% đến trên 20% làm ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất.

Trên cơ sở đó, Halico đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 đạt 113 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế dự kiến âm gần 25 tỷ đồng.

Về kế hoạch sản xuất, Halico dự kiến sản xuất 1 triệu lít cồn và 2,25 triệu lít rượu các loại, bằng 97% so với mức thực hiện năm 2021. Sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 2,7 triệu lít rượu các loại, tăng 10% so với thực hiện năm 2021.

Trước đó, kết quả kinh doanh năm 2021 của Halico cũng không mấy khả quan. Cụ thể: Halico đạt 101 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tổng lỗ cả năm lên đến 23,7 tỷ đồng, vẫn thấp hơn số lỗ gần 31 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2020. Tính đến 31/12/2021 Halico đã lỗ lũy kế hơn 468 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2015, tình hình kinh doanh của Halico bắt đầu rơi vào khủng hoảng khi doanh thu đạt 453 tỷ đồng nhưng báo lỗ 21 tỷ đồng (lỗ từ hoạt động kinh doanh là 26 tỷ đồng). Đây cũng là lần đầu Halico báo lỗ và tăng dần những năm sau đó.

Năm 2017, Halico lỗ gần 85 tỷ đồng, còn hai năm 2018 - 2019, lỗ lần lượt hơn 78 tỷ đồng và 65 tỷ đồng. Điều đáng nói, nguyên nhân thua lỗ không chỉ vì chi phí tăng, sức cạnh tranh giảm mà còn do khâu điều hành và những quyết định gây nhiều tranh cãi của ban điều hành Halico.

Năm 2018, Halico được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận cho phép giao dịch trên thị trường chứng khoán với mức giá tham chiếu trong phiên đầu tiên là 31.900 đồng, tương ứng với mức định giá 638 tỷ đồng, Tuy nhiên, hiện mức giá HNR chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa sụt xuống còn 240 tỷ đồng, mã này hầu như không có thanh khoản.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Halico năm 2020, sản lượng tiêu thụ rượu nội địa đạt 82% kế hoạch và giảm 26% so với 2019, sản lượng rượu xuất khẩu đạt 57% kế hoạch và giảm 37% so với 2019, sản lượng cồn tiêu thụ đạt 74% kế hoạch. Do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn nên doanh thu chỉ thực hiện 79% kế hoạch và giảm 24% so với 2019. Con số lỗ sau thuế là gần 31 tỷ đồng, thấp hơn năm 2019 (lỗ 65 tỷ đồng) là nhờ Công ty tiết giảm đáng kể các khoản chi phí. Đây là năm thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này rơi vào tình trạng thua lỗ.

Halico từng là một thế lực lớn trong thị trường đồ uống có cồn ở Việt Nam, là ông chủ thương hiệu Vodka Hà Nội nổi tiếng. Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội, được thành lập năm 1898 tại số 94 Lò Đúc. Nhà máy được chuyển thành Công ty TNHH MTV Rượu Hà Nội từ năm 2004 và cổ phần hoá sau đó không lâu với vốn điều lệ ban đầu gần 50 tỷ đồng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hnr-chu-hang-ruou-vodka-bao-lo-quy-thu-20-lien-tiep-a156168.html