Lo ‘vòng kim cô’ làm khó các nhà bán lẻ

Liệu tham vọng rót vốn 20.000 tỷ đồng của Central Retail có là mối lo cho các nhà bán lẻ Việt khi mà việc mua bán và sáp nhập, đầu tư mở rộng kinh doanh đang sôi động và gay cấn? Không chỉ vậy, mối lo còn đến từ khâu chính sách, bởi nếu như ban hành những quy định có tính can thiệp quá mức vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ không khác gì “vòng kim cô” làm khó ngành bán lẻ.

Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội địa chắc chắn sẽ không lơ là trước thông tin nhà bán lẻ Thái Lan Central Retail dự tính sẽ rót 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Đáng quan tâm hơn nữa là tập đoàn này còn nhắm đến các cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) để mở rộng kinh doanh.

Nội - ngoại “so găng” sẽ còn nhiều gay cấn

Thực ra, những lo lắng về việc các “gã khổng lồ” của Thái Lan thâu tóm thị trường bán lẻ Việt đã có từ nhiều năm trước. Đặc biệt là họ không chỉ mua lại hệ thống siêu thị ở Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận từ bán lẻ, mà còn đưa hàng Thái sang Việt Nam tiêu thụ. 

Nếu chiếm được phần lớn thị phần kênh phân phối, như tham vọng của Central Retail, họ sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường bán lẻ Việt và có thể hoàn thành được vòng chu trình khép kín từ sản xuất tới phân phối, gây ra sức ép đối với hàng Việt và các nhà bán lẻ khác. 

ban-le-1657867526.jpg Các mặt hàng tiêu dùng của Thái Lan tràn ngập tại một đại siêu thị ở quận 6 (Tp.HCM).

Tuy vậy, sự trỗi dậy của một số nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực lớn trong thời gian qua cũng cho thấy cuộc “so găng” giữa hai khối bán lẻ nội và ngoại sẽ còn nhiều gay cấn. Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 đã khiến cho không ít nhà bán lẻ ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam, dẫn đến tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ nội địa mở rộng quy mô thị trường thông qua M&A.

Như thông tin Nova Consumer vừa hoàn tất thương vụ M&A Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods) vào cuối quý 2/2022. Bên cạnh đó, sau khi sở hữu Anco Family Food, Nova Consumer sẽ cùng tham gia vận hành và mở rộng kênh phân phối lên 450.000 điểm bán lẻ trong tương lai.

Hoặc như chia sẻ mới đây của ông Đoàn Hồng Việt, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld) - một DN hàng đầu thuộc ngành phân phối bán lẻ hàng công nghệ, công ty đang lên kế hoạch M&A để bổ sung nhanh dải sản phẩm, nhất là ở một số mảng bán lẻ như tiêu dùng nhanh (FMCG).

Theo lý giải của ông Việt, do Digiworld chưa có được uy tín như ngành hàng điện tử nên có kế hoạch phát triển thêm mảng đồ ăn thức uống (F&B) ở nửa cuối quý 4/2022 và thiết bị công nghiệp vào năm 2023. Digiworld phát triển ngành hàng mới nhưng không bỏ qua ngành hàng cũ, đồng thời không chuyển trọng tâm mà chỉ mở rộng.

Ngoài chuyện M&A, thông tin đưa ra hồi đầu năm nay cho thấy nhà bán lẻ mặt hàng dành cho bà mẹ và trẻ em là Con Cưng đặt mục tiêu mở 200-300 Super Center (khu tích hợp mua sắm, vui chơi và giải trí cao cấp dành cho mẹ và bé) đến năm 2025. 

Hay như Saigon Co.op cũng đẩy nhanh mục tiêu đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025; chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ (đổi tên thành Winmart và Winmart+) với hơn 2.500 điểm bán đang tăng tốc hợp tác với The CrownX…

Đừng can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh

Bên cạnh tính chất sôi động trong việc tăng cường rót vốn đầu tư mở rộng điểm bán, tận dụng cơ hội M&A để tăng thị phần trên thị trường bán lẻ Việt, điều mà các nhà bán lẻ băn khoăn là liệu khâu chính sách có tạo rào cản cho hoạt động của họ hay không? 

Chẳng hạn trường hợp dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại do Bộ Công Thương soạn thảo đang làm nhiều DN bán lẻ lo lắng sẽ như “vòng kim cô” gây khó dễ cho chuyện kinh doanh của họ.

Góp ý mới đây về dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có lưu ý một số quy định can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của DN.

Đơn cử dự thảo yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng.

Theo VCCI, việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của DN. DN và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần Nhà nước can thiệp.

Ngoài ra, dự thảo yêu cầu các cửa hàng tiện lợi buộc phải chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Trong khi đó, hiện nay có một số cửa hàng tiện lợi chủ động bố trí nhân viên lấy hàng cho khách và thanh toán ngay khi đưa hàng. Còn theo quy định này, nếu một cửa hàng tiện lợi coi đây là phương thức bán hàng và thanh toán chủ yếu thì sẽ bị xử phạt?

Mặt khác, dự thảo còn đưa ra một số quy định không khả thi đối với DN bởi yếu tố này nằm ngoài khả năng tự quyết định của DN. Ví dụ, cửa hàng tiện lợi có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500m”. 

Như vậy, nếu cửa hàng tiện lợi nào chủ yếu phục vụ khách mua hàng ngoài phạm vi 500m thì sẽ vi phạm quy định và bị xử phạt. Tuy nhiên, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu.

Ngoài ra, VCCI còn khuyến cáo dự thảo đưa ra nhiều quy định thiếu tính minh bạch. Các quy định này có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và DN. Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước diễn giải tuỳ tiện để xử phạt hoặc đe doạ xử phạt DN nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lo-vong-kim-co-lam-kho-cac-nha-ban-le-a156534.html