'Người người đi kinh doanh bất động sản, đây là tai họa cho nền kinh tế'

'Tôi đã gặp nhiều người khổ sở vì bỏ sở trường đi làm bất động sản. Có tình trạng người người đi kinh doanh bất động sản... Đây là tai họa cho nền kinh tế', TS. Trần Du Lịch chia sẻ.

ts-tran-du-lich-trinh-bay-tham-luan-tai-hoi-nghi-1657874386.jpg
TS. Trần Du Lịch trình bày tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra chiều 14/7,  TS. Trần Du Lịch đã trình bày tham luận liên quan đến vai trò và những hạn chế của thị trường.

Cụ thể, vị này nhận định, thị trường bất động sản là một trong 5 thị trường chính của nền kinh tế nước ta được xác định từ Đại hội IX (2001). Trong hơn 20 năm qua, thị trường bất động sản đã đóng góp tích cực trong quá trính công nghiệp hóa và đô thị hóa ; là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS. Trần Du lịch cho biết, theo tính toán của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP và đóng góp gián tiếp thông qua các ngành kinh tế khác khoảng 20% GDP. Tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta còn thấp (khoảng 38% dân số), nên dư địa rất lớn để phát triển thị trường bất động sản gắn với quá trình đô thị hóa. Và đây là dư địa cho phát triển.

Thị trường bất động sản cũng là lĩnh vực có tỷ trọng thu hút đầu tư kinh doanh lớn. Vốn nhà nước đầu tư dẫn dắt cho tư nhân đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn mồi là hiệu quả nhất,...

Về những tồn tại, TS. Trần Du Lịch cho rằng, thực tế thị trường bất động sản có tới ba thị trường là thị trường mua bán; thị trường cho thuê và thị trường thế chấp, nhưng ở Việt Nam chỉ mới nói thị trường mua bán.

Thứ hai, làm giàu từ kinh doanh bất động sản là nhanh nhất, nên thu hút nhiều người bỏ sở trường đi làm bất động sản. TS. Trần Du Lịch chia sẻ: "Tôi đã gặp nhiều người khổ sở vì bỏ sở trường đi làm bất động sản. Có tình trạng người người đi kinh doanh bất động sản. Trong chuyến đi miền Trung, tôi thấy nhiều người đi kiếm nhà, kiếm đất để mua, đầu cơ đất, đẩy giá đất. Đây là tai họa cho nền kinh tế".

Thứ ba, vị này cho biết, theo kinh nghiệm từ các nước, để quản lý thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ, người ta dùng hai công cụ để điều chỉnh. Một là, "đất nhà nước cho làm gì thì làm cái đó, không có quyền tôi có đất tôi làm gì thì làm". Hai là công cụ tài chính "thuế và phí".

Cần rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật 

TS. Trần Du Lịch đề xuất hai nhóm giải pháp. Thứ nhất, về lâu dài, cơ bản đối với thị trường bất động sản, hiện có hàng chục đạo luật, hàng chục nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành,… đang chồng chéo mâu thuẫn, đang cần rà soát để hình thành hệ thống các văn bản điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản.

Thứ hai, cần nghiên cứu bỏ thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, mà đánh thuế bất động sản từ ngày được cấp quyền sử dụng đất ở. Trước mắt quy định này áp dụng cho tất cả các nhà ở trong các dự án mới phát triển (thay đổi tư duy thay vì Nhà nước thu tiền một lần như hiện nay sang Nhà nước thu ít hơn nhưng thu hàng năm bởi đây là khoản thuế trực thu rất bền vững).

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rẳng, cần xây dựng các chính sách và công cụ điều tiết và liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường tài chính; giữa thị trường bất động sản sơ cấp với thị trường bất động sản thứ cấp; giữa các thị trường mua - bán; cho thuê và thế chấp bất động sản; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp như công ty đầu tư tín thác bất động sản (REIT) - chuyển dần sự đấu tư cá nhân sang đầu tư thông qua các định chề đầu tư chuyên nghiệp,...

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nguoi-nguoi-di-kinh-doanh-bat-dong-san-day-la-tai-hoa-cho-nen-kinh-te-a156555.html