Tính trên bình diện cả nước, theo báo cáo của Bộ Y tế trước Chính phủ mới đây, có tới gần 9.400 y bác sĩ, nhân viên y tế từ tuyến trung ương đến địa phương xin thôi việc, bỏ việc trong vòng 1,5 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là mức lương và các chế độ chính sách quá thấp, suy giảm thể chất, trong khi áp lực công việc tăng…
Cũng cần phải nói đến một nguyên nhân dù nhỏ, mang tính hiện tượng nhưng sức “công phá” về tâm lý, tình cảm đối với đội ngũ áo trắng lại rất ghê gớm. Đó là tâm lý bị xem nhẹ, thậm chí cảm giác như bị “lãng quên” sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn cử như đến nay vẫn có tới hơn 62% nhân viên y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào trong thời gian tham gia chống dịch COVID-19. Đơn cử như chỉ có 19 tỷ đồng tiền thưởng cho 40.000 nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh đã không quản chết chóc hy sinh trong những ngày tháng nguy nan nhất giúp người dân thành phố vượt qua đại dịch, nhưng sau cả năm đến nay vẫn chưa được nhận đồng nào. Bởi sự tắc trách, quan liêu của hệ thống văn bản, quy định, sở này “đá” qua ngành khác, dù tiền thưởng cho mỗi người tính ra chỉ được có mấy trăm ngàn đồng!
Và từ đây còn cho thấy một vấn đề lớn đáng day dứt hơn, đó là sự “rủi ro trong thực thi công vụ” như nhận định của giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, khi phân tích nguyên nhân công chức, viên chức tại thành phố “ồ ạt bỏ việc” thời gian qua, không chỉ riêng lực lượng y tế. “Thời gian qua, có vấn đề nội dung văn bản không rõ ràng, mà ngay cả trong ban cán sự, UBND thành phố, sở ban ngành trao đổi đi trao đổi lại cả buổi mà không ra. Làm thì phải có sai, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào thì dứt khoát bắt những lỗi đó và phải xử lý. Có người bị xử lý hình sự, ít thì xử lý hành chính. Cho nên công chức nhiều người nói xin ra ngoài làm để cảm thấy an toàn hơn”, nguyên văn phát biểu trước kỳ họp HĐND thành phố của vị coi chuyên quản nội vụ nhân sự địa phương này.
Làm nhà nước “nguy cơ cao”, còn ra làm ngoài thì không nguy cơ gì sao? Và vì sao cũng cùng một hệ thống pháp luật, nhưng làm cho tư nhân lại “an toàn” hơn? Câu hỏi không khó trả lời, nếu chỉ cần nhìn lại việc khen thưởng thành tích chống dịch đang bị ách tắc tại TP Hồ Chí Minh. Các quy định, quy trình quản lý, thu chi tài chính đã cứng nhắc như vậy, ai dám “vượt rào, xé rào”, và nếu làm khác liệu bản thân người ký có an toàn?
Nhiều y bác sĩ giỏi, công chức có năng lực bỏ ra ngoài, hệ thống y tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân có thể mừng vì sẽ lớn mạnh hơn. Mọi thứ đầy vơi trên đời sống này ngẫm ra đều tuân theo quy luật tự nhiên. Nhưng thể chế, hệ thống pháp luật thì không thể dựa vào cơ chế tự điều chỉnh, mà cần sự hoạch định, xây dựng và thực thi một cách thực tế, sáng suốt, khoa học và nhân văn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nghi-viec-o-at-a156946.html