Cuộc gặp ngày 16-7 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Jordan, Iraq tập trung vào một loạt vấn đề nóng. Trong đó, nổi bật là an ninh năng lượng và nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực.
Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở TP Jeddah - Ả Rập Saudi nêu trên, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Joe Biden nỗ lực thuyết phục các đồng minh vùng Vịnh sản xuất thêm dầu để giúp hạ nhiệt giá mặt hàng này. Mỹ cũng hy vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) làm điều này trong những tuần tới. Trước đó một ngày, Mỹ và Ả Rập Saudi ra tuyên bố cam kết bảo đảm sự ổn định của các thị trường năng lượng toàn cầu theo sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.
Theo giới chuyên gia, lợi ích năng lượng là yếu tố chính thúc đẩy ông Joe Biden thăm Ả Rập Saudi lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1-2021. Washington nóng lòng muốn thấy Riyadh nói riêng và OPEC nói chung bơm thêm dầu để giúp giảm giá xăng và lạm phát đang ở mức cao tại Mỹ. Dù vậy, không có nhiều kỳ vọng về một thỏa thuận tăng sản lượng tức thì thông qua chuyến đi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Ả Rập tại TP Jeddah - Ả Rập Saudi ngày 16-7 Ảnh: REUTERS
Thay vào đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng kết quả cuộc họp của OPEC+ (liên minh giữa OPEC và các đồng minh) vào ngày 3-8 tới mới đáng quan tâm hơn. Tại cuộc họp vào tháng rồi, OPEC+ quyết định tăng sản lượng khai thác dầu thô lên thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Vấn đề an ninh của khu vực là một đề tài thảo luận quan trọng khác tại cuộc gặp thượng đỉnh nói trên, nhất là sau khi Mỹ và Ả Rập Saudi nhất trí về tầm quan trọng của việc ngăn Iran có vũ khí hạt nhân. Theo AP, ông chủ Nhà Trắng công bố chiến lược về sự gắn kết của Mỹ với Trung Đông, đề cập năng lực phòng thủ và tên lửa tại khu vực, đồng thời thúc giục các nước cải thiện quan hệ với Israel để đối phó Iran. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ thông báo Washington cam kết khoản tiền 1 tỉ USD để hỗ trợ an ninh lương thực cho Trung Đông và Bắc Phi.
Trong khi đó, các nước vùng Vịnh muốn Mỹ có cam kết cụ thể hơn đối với quan hệ chiến lược giữa hai bên. Trong số này, Ả Rập Saudi và UAE không hài lòng về các điều kiện Washington đưa ra cho các thương vụ vũ khí, cũng như bất mãn khi không được tham gia các cuộc hội đàm gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm phục hồi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Ông Abdulaziz Sager, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh (Ả Rập Saudi), nhấn mạnh yêu cầu quan trọng nhất của lãnh đạo các nước vùng Vịnh là Mỹ cần rõ ràng về chính sách và hướng đi đối với khu vực này.
Trong chuyến công du Trung Đông lần này, Tổng thống Mỹ chỉ đến Israel và Ả Rập Saudi. Đây được xem là 2 nước đối đầu lớn nhất của Iran tại khu vực và họ đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Vài giờ trước khi ông Joe Biden đến Riyadh hôm 15-7, Ả Rập Saudi cho biết sẽ mở không phận cho tất cả hãng hàng không dân sự, trong đó có cả các chuyến bay đến và đi từ Israel. Vì thế, Israel hy vọng chuyến đi lần này của ông Biden sẽ giúp thúc đẩy quan hệ giữa Tel Aviv và Riyadh thêm nồng ấm.
Trước đó vài tuần, Israel thông báo đang làm việc với các đối tác trong khu vực về một liên minh phòng không do Mỹ dẫn đầu. Dù vậy, theo Reuters, Washington không dễ thuyết phục các nước Ả Rập về kế hoạch kết nối các hệ thống phòng không tại khu vực, nhất là những quốc gia hiện không có quan hệ với Israel và không muốn tham gia một liên minh bị xem là chống Iran.
Ông Anwar Gargash, cố vấn của Tổng thống UAE, cho rằng ý tưởng về một "NATO Trung Đông" là khó thành hiện thực. Ông nhấn mạnh nước này không quan tâm đến chuyện gia nhập một liên minh chống Iran.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/my-muon-gi-khi-tro-lai-trung-dong-a156949.html