Phát triển nhà ở thương mại, chớ đẩy người dân lùi lại phía sau: Trường hợp thương hiệu Danko City Thái Nguyên

Dự án Danko City Thái Nguyên nhận được nhiều “ưu ái” của tỉnh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, tại đây cũng bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực tới người dân bị thu hồi đất và vùng ven, có nguy cơ “đẩy người dân lùi lại phía sau” – đi ngược lại mục tiêu phát triển bền vững.

LTS: Danko City là một dự án bất động sản lớn của Công ty CP Tập đoàn Danko ở tỉnh Thái Nguyên. Từ dự án này, thương hiệu Danko như được cất cánh, tiếp tục thực hiện, tiếp cận nhiều dự án lớn khác ở nhiều tỉnh. Dự án Danko City Thái Nguyên nhận được nhiều “ưu ái” của tỉnh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, tại đây cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, ảnh hưởng tiêu cực tới người dân bị thu hồi đất, người dân vùng ven dự án, có nguy cơ “đẩy người dân lùi lại phía sau” – đi ngược lại mục tiêu phát triển của Liên hợp Quốc.

Bài viết này góp phần luận giải: 1) các nội dung của Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp Quốc và của Việt Nam, 2) Điều chỉnh pháp luật đất đai hiện nay bảo vệ, bảo đảm quyền lợi người bị thu hồi đất và ý nghĩa của chúng trong việc thực hiện Mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, 3) Tham chiếu, đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” từ thực tiễn Dự án Danko City Thái Nguyên, 4) Đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất từ thực tiễn dự án Danko City Thái Nguyên.

1. Từ Mục tiêu phát triển bền vững - “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

1.1. Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 vì sự phát triển bền vững.

phat-trien-ben-vung-1658202965.png 17 Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030 của Liên hợp Quốc.

Liên Hợp Quốc và các đối tác tại Việt Nam đang nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững: 17 Mục tiêu liên kết với nhau và đầy tham vọng nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đây là những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đang thực hiện ở Việt Nam.

Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

1.2. Cụm từ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng phổ biến và quen thuộc ở Việt Nam với hàm ý Nhà nước và cộng đồng có trách nhiệm giúp các nhóm người dễ bị tổn thương phát triển, theo kịp sự phát triển để không bị bỏ lại phía sau.

Còn về mặt lý luận, “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là mục tiêu của chương trình phát triển dân số, được gắn với các chương trình lớn thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030 của Liên hợp Quốc. Chương trình ưu tiên hỗ trợ các nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực dựa trên cơ sở giới.

Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chương trình phát triển dân số ở Việt Nam (hợp tác với Liên hợp Quốc) đóng góp trực tiếp ở hai lĩnh vực: Phát triển xã hội bao trùm; và Quản trị và tiếp cận công lý, từ đó giảm bất bình đẳng và tính dễ bị tổn thương.

Như vậy, nhìn rộng ra, mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” có tác dụng nhằm thúc đẩy cộng đồng hành động để giúp đỡ và hỗ trợ nhóm người yếu thế có nhiều nguy cơ tụt hậu - ở lại phía sau.

1.3. 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam

Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Nghị quyết đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam gồm: 

(1) Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; 

(2) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; 

(3) Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; 

(4) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; 

(5) Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; 

(6) Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; 

(7) Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; 

(8) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; 

(9) Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; 

(10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội; 

(11) Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; 

(12) Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; 

(13) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; 

(14) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; 

(15) Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; 

(16) Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; 

(17) Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ và giải pháp chung, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030, tập trung vào những nội dung, như: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; Tăng cường thông tin, truyền thông; Phát huy vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; Bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính; Tăng cường hợp tác quốc tế.

2. Nhìn về lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, tái định cư ở nước ta

2.1. Điều chỉnh pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất (THĐ)

Cũng nhìn rộng tới lĩnh vực đất đai, khi người dân bị Nhà nước thu hồi đất, họ sẽ phải chuyển sang một trạng thái cuộc sống mới với nhiều thách thức: mất đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất – đất, phải thay đổi chỗ ở - bị thu hồi đất ở, phải chuyển, thay đổi nghề nghiệp – do mất tư liệu sản xuất cũ. Nhìn chung, người bị thu hồi đất phải chuyển sang cuộc sống mới, đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

danko-1658203095.png Sai phạm trong thu hồi đất dự án KĐT Thủ Thiêm là một điển hình, gây hậu quả xã hội nghiêm trọng trong thời gian dài (suốt 20 năm qua), kéo lùi sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh và người dân khu vực này. Ảnh: Theo lời bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An), từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, giờ đây bà trắng tay, phải đi ăn xin (nguồn: Zing).

Vì vậy, nhằm đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thu hồi đất, khắc phục bất cập và điều tiết hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, đồng thời giảm thiểu và hạn chế các khiếu kiện của công dân trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khi bị thu hồi đất, Nhà nước đã có nhiều quy định để bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, giúp họ “không bị bỏ lại phía sau”. Ví dụ:

2.1.1. Quy định về nguyên tắc khi thực hiện thu hồi đất:

Luật Đất đai 2013 khẳng định một cách rõ ràng nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ trong công tác thu hồi đất thông qua các quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Để đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, Luật này đã quy định theo hướng tăng cường hơn sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trách nhiệm đối thoại và giải trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận.

2.1.2. Quy định về nguyên tắc bồi thường:

Luật Đất đai năm 2013 đã tách nguyên tắc bồi thường về đất và nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thành 02 điều riêng biệt (Điều 74 và Điều 88).

“Điều 74. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.

2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.

Nguyên tắc trên thể hiện khi nhà nước lấy đi phần lợi ích của người dân mà người dân có đầy đủ điều kiện được bồi thường thì Nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Quy định trên phù hợp với nguyên tắc dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự 2005. Khi Nhà nước lấy đất thì bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương. Cách tiếp cận này xuất phát từ quan niệm coi đất đai là tài sản có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương. Quy định này cũng nhằm ngăn ngừa tình trạng người bị THĐ đòi hỏi giá bồi thường quá cao do giá trị của đất đai tăng lên từ việc chuyển mục đích SDĐ hoặc do sự đầu tư của Nhà nước mang lại.

Việc bồi thường phải dân chủ khách quan, tức là phải đảm bảo khi người dân bị thu hồi đất mà có các đủ điều kiện nhận bồi thường, họ phải được bồi thường. Đây là quyền liên quan tới lợi ích chính đáng mà không một ai hay tổ chức cá nhân nào không cho họ thực hiện.

“Điều 88. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất

1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.

2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại”.

Đây là một điểm mới của luật đất đai 2013 khi đã bắt đầu xem xét bồi thường về đất không chỉ với tư cách là tài sản mà còn là tài nguyên và tư liệu sản xuất. Trên thực tế, ngoài ý nghĩa là tài sản, đất đai còn là tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất và nguồn sống của con người. Vì đất là tư liệu sản xuất của người bị thu hồi đất nên nhà đầu tư ngoài việc bồi thường giá trị như một tài sản còn phải bồi thường về thu nhập, sinh kế cho người mất đất. Nếu chỉ là khoản hỗ trợ trong một thời gian nhất định thì coi như đã phó mặc việc tìm sinh kế mới cho người mất đất.

Do đó, thay vì phó mặc gánh nặng hỗ trợ đào tạo nghề đối với người mất đất cho Nhà nước, nhà đầu tư cần phải được yêu cầu cùng bàn bạc với người mất đất về cơ hội tìm sinh kế mới cho họ; đồng thời, nhà đầu tư phải chi trả cho người mất đất một khoản tiền tương ứng với mức thu từ sử dụng đất trước đây cho tới khi người bị mất đất có nguồn thu nhập mới và theo nguyên tắc, càng để lâu, chi phí bồi thường càng lớn để bắt buộc nhà đầu tư không thể trì hoãn. Theo nguyên tắc này, nhà đầu tư cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng đất đai trong bài toán đầu tư để chi phí ít nhất, chính quyền địa phương cũng khó đánh đổi mọi giá cho sự phát triển, như vậy chắc chắn sẽ giảm được tham nhũng từ đất đai và bảo vệ được nguồn lực đất đai.

2.1.3. Nguyên tắc hỗ trợ, tái định cư: 

Đây cũng được coi là một điểm mới của Luật Đất đai năm 2013. Khoản 1, Điều 83 quy định về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể như sau:

“1. Nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:

a) Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật này còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ;

b) Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.”

Thứ nhất, quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường

Thứ hai, quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà nguồn thu nhập chính từ hoạt động kinh doanh dịch vụ khi Nhà nước thu hồi đất ở mà phải di chuyển chổ ở.

Thứ ba, một trong các hình thức hỗ trợ là hỗ trợ về chỗ ở, tái định cư. Nhằm khắc phục tình trạng một số khu vực tái định cư chất lượng còn thấp, không đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chưa đảm bảo tiêu chí có điều kiện phát triển bằng hoặc tố hơn nơi ở cũ. Nhiều địa phương chưa lập khu tái định cư chung cho các dự án tại địa bàn nên nhiều dự án chưa có khu tái định cư đã thực hiện thu hồi đất ở, thậm chí có những dự án mà người có đất bị thu hồi phải đi thuê nhà để ở nhiều năm mà vẫn chưa được bồ trí vào khu tái định cư, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về lập và thực hiện dự án tái định cư, bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở

Tính dân chủ, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật

Ở cả trong nguyên tắc về bồi thường cũng như hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất đều đề cập tới tính bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật. Đây là một đòi hỏi khách quan trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, vừa là cơ chế để kiểm soát hoạt động này. Bởi tất cả nội dung, phạm vi, giới hạn, trình tự, thủ tục…bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đều do pháp luật quy định. Việc thực hiện công khai minh bạch, dân chủ được thể hiện như sau:

2.1.4. Quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước THĐ do lỗi của người SDĐ gây ra hoặc những trường hợp THĐ vì lý do đương nhiên; Trên cơ sở đó, Nhà nước thực thi chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC không giống nhau đối với các trường hợp THĐ:

(i) trường hợp THĐ sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế thì người bị THĐ được Nhà nước bồi thường về đất và bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi. Đối với trường hợp thu hồi đất ở (THĐƠ), người bị THĐ ngoài việc được Nhà nước bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi còn được hưởng chính sách TĐC. Trường hợp THĐ nông nghiệp của người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất để giao cho họ tiếp tục sản xuất, người bị THĐ nông nghiệp ngoài việc được bồi thường về đất và tài sản trên đất còn được Nhà nước hỗ trợ trong việc ổn định cuộc sống, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp;

(ii) trường hợp THĐ do lỗi của người SDĐ gây ra thì người bị THĐ không được bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi.

2.1.5. Quy định cụ thể điều kiện được bồi thường khi Nhà nước THĐ tại Điều 75 Luật Đất Đai 2013.

Điều này góp phần làm giảm những tranh chấp, khiếu kiện không cần thiết xung quanh việc bồi thường khi Nhà nước THĐ.

2.1.6. Pháp luật đất đai hiện hành quy định rõ ràng trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc lập và thực hiện các dự án TĐC trước khi THĐ để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị THĐƠ mà phải di chuyển chỗ ở.

Khu TĐC được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ

2.1.7. Các quy định hiện hành về bồi thường, GPMB được công bố rộng rãi cho mọi người dân biết thông qua những hình thức luật định.

2.2. Ý nghĩa của việc quy định các nguyên tắc đối với việc bảo đảm mực tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” trong lĩnh vực đất đai

Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và sự ổn định đời sống của người dân. Trong quá trình phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc thu hồi đất để phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế – xã hội là một quá trình tất yếu, tác động rất lớn đến người bị thu hồi đất. Để bù đắp cho họ một phần thiệt thòi đó, Nhà nước ta đã ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dành cho người bị thu hồi đất, từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi ổn định đời sống và sản xuất.

danko-2-1658203131.jpg  Danko City được quảng cáo là KĐT đáng sống bậc nhất Thái Nguyên với nhiều sản phẩm bất động sản hạng sang. Tuy nhiên, vấn đề an sinh xã hội của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án là điều đáng bàn (Ảnh: PV).

Với những nội dung quan trọng như đã nêu trên, việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo. Từ đó các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước có cơ chế pháp lý chặt chẽ, phù hợp để tổ chức thực hiện việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội cũng như lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng. Đồng thời hạn chế được tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi bị thu hồi đất như trong thời gian vừa qua.

Luật đã đặc biệt quan tâm tới sinh kế của người có đất thu hồi thông qua cơ chế bồi thường bằng đất, bằng nhà, bằng tiền; quy định hỗ trợ ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư; nâng mức bồi thường đất nông nghiệp, chú trọng đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân…

Ngoài ra, việc quy định nguyên tắc bảo đảm, dân chủ, khách quan, công bằng, kịp thời, công khai, đúng pháp luật trong quá trình thực hiện có một ý nghĩa đặc biệt quan trong sau đây:

- Công khai, minh bạch và dân chủ trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ  giúp cho người dân được tham gia trực tiếp bàn bạc những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình khi nhà nước thu hồi đất. Bởi mặc dù ở nước ta đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tuy nhiên nhà nước đã giao quyền chiếm hữu, sử dụng đất cho người dân. Việc nhà nước thu hồi đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những lợi ích hợp pháp mà người sử dụng đất tạo ra trong quá trình sử dụng đất, vì vậy họ cần phải được tham gia bàn bạc, đưa ra ý kiến, nguyện vọng thông qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

- Việc thực hiện công khai minh bạch và dân chủ là một trong những giải pháp quan trọng đề phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nói chung và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nói riêng. Thông qua việc công khai, minh bạch các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, người dân có thể tham gia tích cực, phát huy tính dân chủ, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và tố cáo các hành vi tiêu cực, trái với quy định của pháp luật của những cán bộ, công chức trong quá trình thực thi quyền hạn của mình. Từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

- Thông qua việc công khai, minh bạch, dân chủ người dân không chỉ nắm được các quyền và nghĩa vụ của mình khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế mà còn có điều kiện để bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng của mình tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các cơ quan nhà nước nắm được nguyện vọng của nhân dân để có thể xem xét, giải quyết kịp thời, không để nảy sinh những mâu thuẫn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Điều này sẽ tạo tâm lí thoải mái, tạo lòng tin của người dân vào các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ đó có thể hạn chế được những tranh chấp khiếu kiện kéo dài.

3. Thực tiễn bảo đảm quyền lợi người bị thu hồi đất tại dự án Danko City Thái Nguyên (còn nữa …)

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phat-trien-nha-o-thuong-mai-cho-day-nguoi-dan-lui-lai-phia-sau-truong-hop-thuong-hieu-danko-city-thai-nguyen-a157445.html