Công bố của Bộ Tài chính không nêu cụ thể các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất thường trong tháng 5 và 6-2022 thuộc nhóm ngành nào, song dư luận đang đặt ra câu hỏi và đồn đoán về những doanh nghiệp đang rơi vào “tầm ngắm” của Bộ Tài chính.
Báo cáo về thị trường trái phiếu 6 tháng đầu năm vừa công bố của VNDirect cho biết, có tới hơn 64.000 tỷ đồng giá trị TPCN riêng lẻ đến kỳ đáo hạn trong quý III năm nay. Trong đó, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ lệ cao nhất, với 52% tổng giá trị đáo hạn, tương đương 33.624 tỷ đồng, tăng 167% so với quý II và tăng 252% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ba doanh nghiệp bất động sản được nhắc đến khi có tổng giá trị đáo hạn cao nhất trong quý, chiếm 45% giá trị đáo hạn trái phiếu bất động sản bao gồm: Công ty Kinh doanh BĐS MediterranenaRevival Villas (7.200 tỷ đồng), Công ty Bông Sen (4.800 tỷ đồng) và Công ty OsakaGarden (3.400 tỷ đồng).
Đây từng là những doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần. Osaka Garden có vốn chủ sở hữu ở mức 270 tỷ đồng nhưng huy động lên tới 7.700 tỷ đồng. Mediterranean Revival Villas huy động 7.200 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 153 tỷ đồng. Cả hai đều chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhóm chuyên gia VNDirect nhận định, việc tăng mạnh giá trị đáo hạn trên đến từ việc các doanh nghiệp đã phát hành với kì hạn quá ngắn, có thể chỉ từ 1-2 năm, là thời gian chưa đủ để dự án đi vào hoạt động chứ chưa nói đến có lãi.
Trong khi đó, FinGroup cho rằng, rủi ro lớn nhất ở thời điểm hiện tại với thị trường TPDN là hồ sơ chất lượng tín dụng yếu, nhất là nhà phát hành chưa niêm yết. Bởi thực tế, năng lực tín dụng của các doanh nghiệp chưa niêm yết hơn rất nhiều so với doanh nghiệp niêm yết, trong khi phần lớn giá trị phát hành và đang lưu hành lại thuộc về các tổ chức phát hành chưa niêm yết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tượng phát hành TPDN riêng lẻ bất thường trong 2 tháng trở lại đây có thể nằm trong kế hoạch “đảo nợ” của các doanh nghiệp khi đã đến kỳ hạn trả nợ trái phiếu. Riêng đối với nhóm bất động sản, với hơn 33.000 tỷ đồng đến kỳ hạn trả nợ trong quý III này, tình trạng “đảo nợ” xảy ra nếu không được kiểm soát tốt có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra “bong bóng” thị trường.
Trước đó, giai đoạn 2020-2021 là thời kỳ bùng nổ của TPDN, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp này thường đưa ra mức lãi suất vô cùng hấp dẫn, thậm chí lên đến 13%, khiến thị trường thu hút một dòng tiền lớn tham gia.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ có nhiều điều để nói khi thời gian đáo hạn đã đến, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn nguội lạnh, dòng vốn dành cho bất động sản bị siết lại và hoạt động trên thị trường trái phiếu đang đi vào quy củ hơn để hướng tới việc lành mạnh hóa thị trường.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phat-hanh-trai-phieu-bat-thuong-bo-tai-chinh-soi-nhom-doanh-nghiep-nao-a158361.html