Kết thúc quý II/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.197,6 điểm, tương ứng mức giảm hơn 20% kể từ đầu năm. Theo đó, định giá P/E VN-Index chỉ còn 13 lần, thấp hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 15 lần. Đồng thời, vốn hóa toàn thị trường tương ứng giảm hơn 1,22 triệu tỷ đồng, riêng sàn HoSE đã mất 1,08 triệu tỷ đồng.
Điểm số, thanh khoản, dư nợ cho vay… đều sụt giảm
Cùng với sự sụt giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng suy yếu khi trong quý II, giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE chỉ đạt 17.113 tỷ đồng/phiên, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 6, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE đã giảm 7,5% so với tháng trước, xuống dưới 13.500 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Đáng chú ý, mặc dù lượng tài khoản mở mới không ngừng tăng và lập kỷ lục, nhưng dòng tiền margin trong quý II lại vẫn giảm.
Ước tính, dư nợ cho vay không bao gồm cho vay 3 bên trên toàn thị trường tính tới cuối tháng 6 khoảng 150.000 tỷ đồng ( tương đương 8,7 tỷ USD), giảm khoảng 50.000 tỷ so với quý trước đó. Trong đó, khoảng 140.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay margin, còn lại là ứng trước tiền bán. Còn nếu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số trên có thể tăng hơn 150.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến cuối quý II, dư nợ magin của 20 công ty chứng khoán (CTCK) lớn nhất thị trường đạt 128.333 tỷ đồng, giảm khoảng 43.700 tỷ (-25%) so với thời điểm cuối quý 1 liền trước đó. Trong đó, không có công ty nào ghi nhận mức tăng trưởng dương tại chỉ tiêu này.
Một số CTCK lớn có mức sụt mạnh nhất về dư nợ cho vay trong quý II như: Chứng khoán SSI (SSI) giảm 6.479 tỷ (-31%) so với cuối quý I và giảm gần 9.000 tỷ đồng so với đầu năm, Chứng khoán VPS giảm 32% so với quý I và giảm 25% so với đầu năm, Chứng khoán MiraeAsset giảm 27% so với quý I, Chứng khoán KIS giảm 40% so với quý I xuống 4.512 tỷ đồng, Chứng khoán SHS giảm 44% so với quý I xuống 2.806 tỷ đồng…
Như vậy, sau giai đoạn chứng khoán bùng nổ, dư nợ margin đã có xu hướng “đi lùi”. Lý do được cho là tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn sau các vụ việc không minh bạch do lãnh đạo một số doanh nghiệp từ đầu năm. Bên cạnh đó, các CTCK cũng buộc phải hạ tỷ lệ tự doanh, cho vay ký quỹ và chuẩn bị thanh khoản do mua lại trái phiếu.
Ngoài ra, lượng tiền chờ giải ngân trong tài khoản nhà đầu tư tại thời điểm 30/6 đã hụt khoảng 20.000 tỷ, trong đó phần lớn các CTCK đều ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng sụt giảm mạnh, thậm chí đến hàng nghìn tỷ đồng so với cuối quý trước.
Kết hợp tất cả những yếu tố trên cho thấy, tổng quan “bức tranh” kinh doanh của các CTCK dự báo sẽ không được tích cực. Và chính sự lo ngại này phần nào đã được phản ánh vào giá cổ phiếu chứng khoán trong thời gian qua.
Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay có 22/34 cổ phiếu chứng khoán có vốn hóa giảm trên 1.000 tỷ, thậm chí SSI, VnDirect (VND), Chứng khoán Bản Việt (VCI), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) còn bị thổi bay hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, những “hé lộ” mới đây về tình hình kinh doanh của các CTCK lại cho thấy diễn biến trái chiều, song đa phần là vẫn tích cực.
Nhiều “ông lớn” báo lãi
Điển hình, Chứng khoán SSI công bố doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế quý II/2022 lần lượt đạt 1.583 tỷ đồng (-8%) và 416 tỷ đồng (-26%).
Tuy nhiên, lũy kế bán niên, công ty vẫn ghi nhận doanh thu đạt 3.585,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.375,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10,5% và 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là các con số kỷ lục của công ty mẹ SSI.
Tương tự, CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) cũng công bố lợi nhuận sau thuế đạt hơn 524 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt hơn 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.603 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 67% và 41% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về hơn 1.286 tỷ đồng, cũng tăng 42% so với nửa đầu năm ngoái.
CTCP Chứng khoán VPS cũng thông báo, lãi trước thuế là 281 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 41% so với cùng kỳ lên hơn 225 tỷ đồng.
Không lãi mạnh như các CTCK trên, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, Chứng khoán SHS cũng có 621,4 tỷ đồng doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế ở mức 32,2 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II, SHS ghi nhận vốn điều lệ 6.505 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 9.365 tỷ đồng, thuộc nhóm có quy mô vốn lớn hàng đầu ngành chứng khoán Việt Nam.
Chiều ngược lại, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS) báo cáo quý II/2022 với mức lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng – con số kỷ lục từ khi lên sàn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt 1.473 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 32% xuống còn 118,5 tỷ đồng.
Cùng chung hoàn cảnh, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại thông báo lợi nhuận trước thuế trong quý II âm gần 268 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 233,8 tỷ đồng, chủ yếu do thua lỗ vì đầu tư cổ phiếu. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động đạt 438,9 tỷ đồng, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2021, chi phí gia tăng chủ yếu từ việc đánh giá lại các tài sản chính dẫn đến lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức âm 136,2 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc nhiều CTCK vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tốt trong bối cảnh thị trường chung mang nhiều yếu tố tiêu cực gây ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành cho thấy thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư mang nhiều sức hút, mang tới nhiều triển vọng trong dài hạn. Từ đó kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư mới trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, ngành chứng khoán hiện nay đang diễn ra sự cạnh tranh rất cao, nhất là áp lực cạnh tranh từ các CTCK ngoại trên mọi phương diện, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin). Dự báo thời gian tới sẽ trở nên khốc liệt hơn khi nhà đầu tư F0 dần trưởng thành và có sự hiểu biết, không đơn thuần chỉ nhận sự tư vấn từ các môi giới.
“Các yếu tố về chất lượng dịch vụ, cơ chế tính phí cạnh tranh sẽ làm cho biên lợi nhuận từ mảng khách hàng cá nhân sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi các công ty chứng khoán phải phát triển các sản phẩm đầu tư, mang đến biên lợi nhuận tốt hơn”, một chuyên gia nhận xét.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thi-truong-giam-nhiet-nhieu-cong-ty-chung-khoan-van-bao-lai-lon-a158641.html