Hệ lụy từ bến thủy không phép

Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng bến thủy nội địa để tập kết vật liệu xây dựng, lắp cầu cảng vận chuyển hàng hóa khi chưa được cấp phép. Các bến này vi phạm hành lang bảo vệ luồng thủy và hành lang bảo vệ đê điều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Không phép vẫn hoạt động

Theo rà soát của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), toàn tỉnh hiện có 150 bến thủy nội địa (BTNĐ) hoạt động bốc xếp, trung chuyển hàng hóa, trong đó chủ yếu gắn với các dự án bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông. 

  Nhiều bến thủy nội địa xây dựng không phép tại xã Mỹ Hà (Lạng Giang).

Nhiều bến thủy nội địa xây dựng không phép tại xã Mỹ Hà (Lạng Giang).

Những năm qua, Sở đã rà soát, cấp phép hoạt động cho 30- 35 BTNĐ song đến nay nhiều bến giấy phép đã hết hạn. Hiện chỉ có 7 BTNĐ có giấy phép hoạt động thuộc hai huyện Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang, còn lại không có giấy phép và giấy phép hết hạn.

Mặc dù chưa được cấp phép song nhiều tổ chức, cá nhân vẫn xây dựng, lập BTNĐ ven sông để tập kết cát, sỏi; xây dựng cầu cảng hoặc cầu phao, lắp trụ cẩu vận chuyển vật liệu xây dựng, đất san lấp mặt bằng lên xuống tàu. Ví như tại thôn Đồng Bộp, xã Tiên Nha (Lục Nam) có hộ ông Nguyễn Văn Vinh tự ý lập bến, xây dựng cầu cảng lấn ra lòng sông Lục Nam để đưa đất san lấp mặt bằng xuống thuyền chở đi tiêu thụ.

Tình trạng này còn xảy ra tại thôn Ngạc Lâu, xã Nghĩa Phương (cùng huyện). Để vận chuyển đất san lấp mặt bằng bằng đường thủy, ông Thái Văn Là tự ý xây cầu cảng lấn ra lòng sông Lục Nam. Theo cơ quan chuyên môn huyện Lục Nam, toàn huyện hiện có 23 BTNĐ, trong đó chỉ có 2 bến có giấy phép, còn lại chưa được cấp phép và hết hạn giấy phép.

Tại huyện Tân Yên cũng có 7 BTNĐ ở xã Hợp Đức và Liên Chung không có giấy phép hoạt động. Đáng lo ngại là tại xã Hợp Đức, các BTNĐ đều có trụ cẩu lắp đặt sát mép sông và có bãi tập kết cát sỏi nằm ngoài quy hoạch thuộc diện phải giải tỏa. Hiện nay, đang là mùa mưa bão nhưng tại khu vực này cát, sỏi vẫn tập kết khá nhiều, trong đó có bến của gia đình ông Nguyễn Văn Cường đang hoạt động với nhiều lượt xe ô tô ra vào vận chuyển vật liệu xây dựng.

Cách xã Hợp Đức không xa, tại xã Mỹ Hà (Lạng Giang) có các chủ hộ: Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Vỹ, Bùi Thọ An tự ý lập BTNĐ ven sông Thương để vận chuyển cát, sỏi. Trong đó có hai trường hợp xây trụ bê tông làm cầu cảng chìa ra ngoài sông để vận chuyển vật liệu xây dựng. Hiện, tuy các BTNĐ vi phạm ở xã Mỹ Hà đã tạm dừng hoạt động bốc xếp hàng hóa song cầu cảng chưa được tháo dỡ.

Tháo gỡ vướng mắc, xử lý dứt điểm vi phạm

Các tổ chức, cá nhân xây dựng BTNĐ, tập kết vật liệu xây dựng trái phép không chỉ ảnh hưởng hành lang bảo vệ đê điều, hành lang bảo vệ luồng thủy mà còn vi phạm pháp luật về đất đai. Đặc biệt, quá trình vận chuyển, bốc xếp vật liệu có thể làm rơi vãi, bồi lắng lòng sông.

  Bến thủy nội địa hoạt động không phép tại xã Xuân Phú (Yên Dũng).

Bến thủy nội địa hoạt động không phép tại xã Xuân Phú (Yên Dũng).

Theo quy định, việc quản lý các BTNĐ, bến bãi tập kết cát, sỏi đã được tỉnh phân cấp cho chính quyền cấp huyện và xã. Để xảy ra tình trạng trên là do chính quyền sở tại chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý, xử lý vi phạm. Thậm chí có nơi tuy có kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nhưng lại nửa vời, không chú trọng khâu hậu kiểm nên “đâu lại hoàn đấy”. 

Trao đổi về việc hộ ông Vinh lắp đặt cầu cảng trái phép để vận chuyển đất xuống thuyền những ngày gần đây, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND xã Tiên Nha cho biết, thời gian trước sau khi biết hộ ông Vinh lập BTNĐ trái phép, xã đã yêu cầu giải tỏa, tháo dỡ các hạng mục của cầu cảng. Việc ông Vinh xây dựng lại cầu cảng, địa phương chưa nắm được và sẽ kiểm tra để xử lý(?).

Tại xã Hợp Đức, theo ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã, địa phương đã nhiều lần đôn đốc các chủ bến tập kết cát, sỏi nằm ngoài quy hoạch tháo dỡ trụ cẩu di dời đến vị trí được tỉnh quy hoạch tại thôn Tiến Sơn (cùng xã) để bảo đảm an toàn luồng thủy và hành lang bảo vệ đê điều song các hộ chưa chấp hành nghiêm. 

 

Hiện toàn tỉnh có 150 bến thủy nội địa hoạt động bốc xếp, trung chuyển hàng hóa ven sông, trong đó chỉ có 7 bến có giấy phép, còn lại đã hết hạn và chưa được cấp phép.

 

Hiện địa phương chưa tổ chức lực lượng cưỡng chế hành vi phạm của các chủ hộ. Không chỉ cấp xã thiếu quyết liệt, UBND hai huyện Lục Nam, Tân Yên cũng chưa có chế tài “mạnh tay” để xử lý dứt điểm vi phạm của các chủ BTNĐ.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, Bộ GTVT đã phân quyền cấp phép hoạt động BTNĐ cho Sở GTVT nhưng việc cấp phép còn nhiều khó khăn. Ông Ngô Minh Định, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) phản ánh, hiện nhiều tổ chức, cá nhân khi hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép BTNĐ còn vướng về mặt bằng vì chưa được thuê đất; chưa hoàn thiện thủ tục quy hoạch... 

Còn theo ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, trên địa bàn có 19 tổ chức, cá nhân thuộc diện cấp phép BTNĐ đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án bãi tập kết và trung chuyển vật liệu xây dựng nhưng còn vướng khâu xác định nguồn gốc đất nên chưa thể xin cấp phép.

Trước thực trạng trên, để quản lý chặt chẽ các BTNĐ, nhiều ý kiến đề nghị các huyện, TP, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát xử lý, kiên quyết giải tỏa trường hợp vi phạm. Bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, tới đây Sở tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra và đề nghị các huyện, TP xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xây dựng BTNĐ trái phép. 

Đối với các BTNĐ phù hợp quy hoạch hoặc sắp hết hạn, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sớm hoàn thiện hồ sơ trình cấp lại và cấp mới. Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng bãi tập kết cát, sỏi gắn với xây dựng BTNĐ cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Đối với khó khăn về đất đai, mặt bằng, nhiều chủ bến đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND các huyện, TP rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho ý kiến về loại đất phù hợp mục đích sử dụng của BTNĐ để tạo thuận lợi cho chủ bến hoàn tất thủ tục đầu tư, cấp phép hoạt động. 

Liên quan đến một số BTNĐ đang hoạt động trái phép tại huyện Lục Nam, ông Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, đình chỉ và xử lý ngay hành vi vi phạm. Còn tại Tân Yên, trước mắt huyện sẽ yêu cầu các chủ bến tạm dừng hoạt động trong mùa mưa bão, có kế hoạch di dời đến vị trí quy hoạch theo đúng quy định.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/he-luy-tu-ben-thuy-khong-phep-a158687.html