Xăng dầu giảm mạnh do đâu?
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc giảm giá xăng dầu liên tiếp hai lần trong tháng 7 giúp doanh nghiệp, người dân bớt khó khăn, áp lực. Tuy nhiên, để ổn định về dài hạn và giúp tăng niềm tin vào điều hành, cơ quan quản lý cần chuẩn bị trước các kịch bản bởi hiện xăng dầu tiêu dùng trong nước vẫn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nhập, trong bối cảnh nguồn xăng dầu nhập khẩu khó khăn.
Thực tế, trong thời gian qua, xăng dầu tăng giá kỷ lục, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, gây lo ngại kéo tụt đà hồi phục của doanh nghiệp vừa thoát khỏi hai năm Covid-19.
PGS. Thịnh cho rằng: Giá xăng dầu giảm mạnh thực tế là hệ quả do giá xăng dầu thế giới giảm chứ chưa hẳn là do chính sách điều hành của nhà nước. Hai lần giảm giá sâu ngày 11 và ngày 21/7, nhà điều hành đều trích Quỹ bình ổn giá, nếu không trích quỹ này có thể giá xăng đã giảm khoảng 10.000 đồng/lít sau 2 lần giảm giá rồi.
"Rõ ràng, việc trích Quỹ bình ổn đã ảnh hưởng đến giá xăng dầu trên thực tế. Tuy nhiên, biết sao được khi mà chính Quỹ bình ổn này cũng giúp kìm đà tăng giá xăng dầu thời gian qua", ông Thịnh nói.
Theo một số chuyên gia, nhà quan sát, việc giảm giá xăng dầu trong tháng 7 có thể là tín hiệu mừng giúp giảm nhiệt giá xăng dầu, giúp tâm lý doanh nghiệp, người dân bớt lo lắng so với trước kia. Tuy nhiên, đây cũng là bài học, là kinh nghiệm đối với công tác điều hành giá xăng dầu, nhiên liệu tối quan trọng đối với nền kinh tế, doanh nghiệp.
Thống kê, từ tháng 2 đến nay, các cơ quan quản lý đã đưa ra gần 6 nhóm chính sách, gợi ý, đề xuất giảm giá, hạ nhiệt giá xăng dầu, tập trung phần lớn ở Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Đơn cử như Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn cam kết đủ nguồn cung, đồng thời mở "quota" nhập dầu cho 10 đầu mối lớn; Bộ Tài chính liên tiếp đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu từ tháng 4 và tháng 7 (tổng cộng đã giảm tối đa 3.000 đồng/ lít); ngoài ra có các đề xuất như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu…
Tuy nhiên, tính đến nay chỉ có việc giảm thuế bảo vệ môi trường là đi vào thực tế, có kết quả, các đề xuất khác đều chỉ ở xin ý kiến, kiến nghị.
Xăng dầu giảm giá mạnh nhưng giá các loại mặt hàng tiêu dùng vẫn neo cao. (Ảnh: Khải Phạm)
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại các chợ dân sinh ở khu vực Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm hay Nghĩa Tân - Cầu Giấy (Hà Nội), giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt lợn, bò, cá đều không có sự thay đổi khi giá xăng giảm.
Theo đó, rau muống, rau mồng tơi đang được bán với giá 8.000 đồng/bó, cà chua giá 30.000 đồng/kg, dưa chuột được bán với giá 20.000 đồng/kg. Bắp cải trắng hiện có giá 10.000 đồng/kg, bầu có giá 15.000 đồng/kg và bí đỏ được bán giá 17.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng thịt lợn ba chỉ, mức giá hiện vẫn được các tiểu thương bán ở mức 150.000-160.000 đồng/kg, sườn lợn giá 140.000 - 160.000 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, thịt bò có giá dao động ở mức 300.000 - 320.000 đồng/kg.
So với thời điểm giá xăng cao, những mặt hàng này chỉ thấp hơn từ 1.000 - 2.000 đồng và nhiều mặt hàng gần như không có sự thay đổi về giá bán. Được biết, trước đây khi giá xăng tăng, các mặt hàng đều có mức tăng giá khoảng 30%.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/xang-giam-ky-luc-gan-7000-donglit-moi-bot-lo-chua-voi-mung-a158751.html