Trong 2 năm chịu tác động của dịch bệnh, xu hướng sử dụng mặt bằng đã có sự thay đổi đáng kể, nhiều chuỗi thậm chí đã phải đóng cửa những địa điểm kinh doanh thiếu hiệu quả. Mới đây nhất, chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế giới di động đã phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng.
Hai năm trước, mặt bằng này thử nghiệm mô hình khi chuỗi nhà hàng nướng chỉ bán buổi tối, kết hợp cùng một chuỗi cà phê. Sau một thời gian, mặt bằng lại được tối ưu thêm khi có đối tác F&B hoạt động trong khung giờ từ sáng đến trưa, tiết kiệm chi phí một cách đáng kể, tiếp cận khách hàng cũng đa dạng hơn.
"Thực ra họ thuê mặt bằng buổi sáng trong một thời gian ngắn, chi phí thuê với họ sẽ thấp hơn khi họ thuê mặt bằng trong cả ngày, trong khi thời gian sử dụng nhiều nhất là buổi sáng và buổi trưa... Hai bên sẽ hỗ trợ nhau như thế nào mà đạt hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí tối đa cho cả hai bên", bà Nguyễn Thanh Thiệu An, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần P.A.C.C, cho biết.
Giải quyết bài toán lợi nhuận sau dịch, nhiều chuỗi đã cân nhắc, "liệu cơm gắp mắm" với câu chuyện mặt bằng. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Không chỉ các thương hiệu cùng một lĩnh vực F&B, mà cả cửa hàng tiện lợi cũng cộng sinh cùng chuỗi đồ uống. Chi phí mặt bằng có khi lên đến 30% chi phí cố định cho hoạt động của một cửa hàng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải tìm lời giải cho bài toán: sức mua giảm và chi phí đầu vào tăng.
"Nó liên quan đến khía cạnh về chi phí trong lĩnh vực bán lẻ, có những mô hình cắt giảm và hiệu quả chi phí hơn. Lợi thế cạnh tranh trước đây là quy mô: rộng, lớn, nhanh…, ngày nay quy mô là tích hợp công nghệ nhanh, đa giá trị", Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Tuy vậy, nhiều đơn vị cũng phải tính toán rằng liệu nên hợp tác với ai, hoặc đi cùng với ngành hàng nào để không ảnh hưởng đến độ nhận diện của thương hiệu về lâu dài.
"Quan trọng là sự hợp tác đôi bên như thế nào cho phù hợp, vì không thể 2 ngành hàng đi trái ngược với nhau được. Để tìm ra một đối tác phải có sự tương đồng để triển khai và lấp hết khoảng thời gian chết", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Retail Solutions, nhận định.
Mặt bằng được xem con bài chiến lược của doanh nghiệp để mở chuỗi và tăng độ phủ. Tuy nhiên, sau giai đoạn dịch COVID-19, con át chủ bài "mặt bằng" lại trở thành bất lợi khi doanh thu bị ảnh hưởng vì nhiều mặt bằng không hiệu quả. Giải quyết bài toán lợi nhuận sau dịch, nhiều chuỗi đã cân nhắc, "liệu cơm gắp mắm" với câu chuyện mặt bằng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bat-tay-chia-se-mat-bang-a158845.html