Tăng cường kiểm soát dòng vốn tín dụng vào bất động sản, chứng khoán

NHNN cho biết, các giải pháp đang hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh; đồng thời kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao.

Ngày 22/7, cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đăng tải văn bản ý kiến trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Về giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh; kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản (BĐS), chứng khoán, NHNN cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo đó, NHNN điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên phát triển theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có kinh doanh BĐS, chứng khoán), NHNN đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

Cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Giám sát chặt chẽ và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

Làm việc và chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS, nâng cao chất lượng tín dụng và yêu cầu có lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để hạn chế TCTD phân bổ vốn vay vào các dự án BĐS dài hạn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, trong đó lưu ý đối với các TCTD, chi nhánh TCTD có dư nợ tăng nhanh tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, tăng giá BĐS trong thời gian qua.

Kết quả đạt được là đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đến 31/5/2022 tăng 12,37%, chiếm tỷ trọng khoảng 20,67% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động tiêu dùng, tự sử dụng BĐS tăng 14,72%, chiếm 66,3% dư nợ tín dụng BĐS. Dư nợ chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ 0,42% tổng dư nợ nền kinh tế. ​

Về trách nhiệm pháp lý của các chủ thể liên quan trước vấn đề an toàn thông tin, bảo mật tài khoản ngân hàng trực tuyến và giải pháp của NHNN, để bảo vệ quyền lợi khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, bảo mật tài khoản ngân hàng trực tuyến, trong thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, theo đó, quy định trách nhiệm của các TCTD khi cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho khách hàng, gồm:

Bảo đảm an toàn, bảo mật các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ trực tuyến để phòng, chống tấn công xâm nhập của tội phạm mạng; bảo đảm bí mật thông tin, dữ liệu của khách hàng lưu trữ, xử lý trên hệ thống thông tin của TCTD.

Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, bao gồm các biện pháp bảo đảm an toàn toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ trực tuyến; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và cảnh báo rủi ro cho khách hàng trước khi tham gia sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến.

Xác lập và công bố rõ ràng nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của khách hàng khi đưa ra đề nghị giao dịch; đảm bảo ngăn ngừa việc phủ nhận hoặc thoái thác giao dịch từ phía khách hàng; Khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử cho khách hàng và/hoặc trong lần đầu tiên sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng, ngân hàng phải có trách nhiệm công khai và giải thích rõ ràng, đầy đủ những rủi ro khách hàng có thể gặp phải khi sử dụng những dịch vụ này.

Ban hành các văn bản hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC); hoạt động thẻ ngân hàng, mở thẻ bằng eKYC; hoạt động trung gian thanh toán; thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng đối với dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán và nhiều văn bản hướng dẫn khác, trong đó có quy định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan (tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, tổ chức phát hành thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ, chủ tài khoản, chủ thẻ,…) nhằm xác định trách nhiệm pháp lý của các chủ thể liên quan trong cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đang thực hiện và nghiên cứu các giải pháp khác nhằm thực hiện tốt hơn việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong lĩnh vực ngân hàng; xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai phù hợp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Trong đó, tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo và kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin và phòng chống tội phạm mạng tại các TCTD.

Tăng cường công tác truyền thông về an toàn thông tin khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử qua website, ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking, email, tin nhắn SMS, banner, poster tại các điểm giao dịch và cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng.

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động giám sát, rà soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các giao dịch đáng ngờ qua hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử, xử lý nhanh chóng các sự kiện mất an toàn thông tin (Triển khai trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) hoặc thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp chuyên môn; triển khai ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghệ 4.0 như AI, Bigdata...)

Triển khai đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành Ngân hàng.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong công tác bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin; phối hợp diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin; đào tạo chuyên gia an toàn thông tin; điều tra, cung cấp thông tin truy bắt tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến ngành Ngân hàng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tang-cuong-kiem-soat-dong-von-tin-dung-vao-bat-dong-san-chung-khoan-a159040.html