Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội thường xảy ra tình trạng người dùng “tố” nhau công khai, mượn tiếng nói của cộng đồng mạng để công kích người khác. Hành động này được cộng đồng mạng gọi là “bóc phốt”, kéo theo đó là những lời nói, hành động xúc phạm lẫn nhau, công khai đời tư, thông tin cá nhân... Hầu hết các bài “bóc phốt” nhau trên mãng xã hội đều đến từ những xích mích như: tranh cãi về quan điểm; cho rằng bị người khác chèn ép; phát hiện “người thứ ba” xen vào cuộc sống hôn nhân, quan hệ tình cảm; phản ánh cách ứng xử, chất lượng phục vụ của một dịch vụ, sản phẩm nào đó...
Các bài “bóc phốt” này thường nhận được lượt xem, chia sẻ rất cao, người bình luận, bàn tán bên trong các bài viết cũng tăng liên tục. Thậm chí, có những trang/nhóm mạng xã hội được lập ra để tập trung các bài đăng “bóc phốt” nhằm tăng lượt tương tác từ việc đáp ứng sự tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người dùng mạng xã hội. Đơn cử như trang facebook “Bí mật Showbiz” chuyên bóc phốt, công khai các thông tin về đời tư, cuộc sống của các nghệ sĩ, thu hút đến hơn 1,8 triệu người like (thích) trang này. Các trang facebook “Bóc phốt Showbiz”, “Bóc phốt Nhà báo”… cũng tự cho mình quyền kết án, công khai các thông tin, hình ảnh xấu về người khác khi chưa được kiểm chứng.
Nội dung các bài đăng “bóc phốt” trên các trang/nhóm mạng xã hội thường không dẫn từ các trang báo chính thống hay từ việc các cơ quan có thẩm quyền đã điều tra, xác minh làm rõ mà thường tự ý đăng tải. Nhiều người không rõ thông tin trên có chính xác hay không nhưng việc bình luận, chửi bới trên mạng đã làm tổn hại không nhỏ tới uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức, gây thiệt rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, pháp luật quy định công dân có quyền, nghĩa vụ thông tin hành vi vi phạm pháp luật, hành vi có dấu hiệu tội phạm của cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên việc tố cáo, thông tin cũng cần phải được thực hiện theo những trình tự nhất định được quy định trong luật khiếu nại, luật tố cáo, luật xử lý vi phạm hành chính, luật hình sự… Ngoài ra, nguyên tắc việc giải quyết các hành vi vi phạm như liên quan đến chất lượng hàng hóa dịch vụ đã có các cơ chế như Cục Quản lý thị trường, Công an, Tòa án.
Các hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội tùy thuộc vào tính chất, mức độ khác nhau còn có thể bị xử bị xử lý theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để, xúc phạm uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Nếu “bóc phốt” xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu “bóc phốt” sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, người “bóc phốt” có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi vu khống. Về mức xử phạt vi phạm hành chính, điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 quy định, nếu lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức thì bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vu khống tại Điều 156. Theo đó, người sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử để vu khống người khác sẽ bị phạt tù từ 1-3 năm.
Như vậy, việc “bóc phốt” trên mạng không chỉ nói lên văn hóa ứng xử mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, là hành vi của các chủ nhóm “bóc phốt”, việc lập ra các hội nhóm như vậy rất dễ dàng, chỉ cần 1 tài khoản facebook là có thể thành lập diễn đàn mời bạn bè tham gia. Mặc dù pháp luật hiện hành không nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thành lập các hội, nhóm trên mạng, song những hội nhóm này vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Các chủ nhóm không chỉ lập ra nhóm “bóc phốt” mà việc quản lý, kiểm soát các nội dung trên nhóm, để các thành viên đăng những bài có nội dung vi phạm pháp luật chính là hành vi tiếp tay, giúp sức cho các hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng đến các cá nhân, tổ chức và an ninh, an toàn, trật tự xã hội.
Việc nội dung các bài đăng dùng những lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cá nhân, tổ chức theo quy định điểm a khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2019 thì đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng. Theo đó, các chủ nhóm “bóc phốt” có thể bị xử lý hình sự, xử phạt lên đến 7 năm tù hoặc phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự khi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
“Mỗi công dân đều có quyền nói, quyền trình bày quan điểm, nêu ý kiến cá nhân, nhưng không được làm tổn hại đến danh dự, uy tín, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác. Nếp sống văn minh, văn hóa là giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi tại tòa án thay vì “bóc phốt” trên các mạng xã hội. Do đó, mỗi cá nhân cần hiểu và áp dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của mình chính là góp phần xây dựng một xã hội văn minh” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/boc-phot-tren-mang-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-a159057.html