Giá dầu thế giới tiếp tục biến động đáng chú ý

Nhiều biến động lớn trong nền kinh tế toàn cầu đang khiến giá dầu thay đổi liên tục và khó lường.

Theo ghi nhận của trang theo dõi Trading Economics, giá dầu thô thế giới trong phiên giao dịch hôm 25-7 xuất hiện nhiều biến động mạnh sau đà giảm sâu cuối tuần trước. Cụ thể, dầu WTI giao tháng 9-2022 đầu phiên ở mức 95,16 USD/thùng, còn dầu Brent ở mức 104 USD/thùng - tăng trung bình 0,4% so với phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, đến cuối phiên ngày 25-7 thì giá dầu WTI rơi xuống 93,73 USD/thùng, giảm 1,02% trong phiên. Dầu Brent xuống 102,32 USD/thùng, giảm 0,85% trong phiên.

Công nhân của hãng dầu Schlumberger (Mỹ) tại một giếng dầu thuộc bang Texas hồi đầu tháng 7. Ảnh: REUTERS

Đằng sau việc giá dầu đi xuống

Hãng tin Reuters dẫn nhận định một số chuyên gia rằng việc giá dầu biến động mạnh như vậy được cho là đến từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng biên độ lãi suất thêm 0,75% tại cuộc họp vào ngày 26-7. Song song đó, một nguyên do khác đến từ việc Liên minh châu Âu (EU) đã “nới lỏng” trừng phạt với dầu thô Nga nhằm tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng. EU cũng đang tìm kiếm nguồn cung khí đốt bổ sung từ Nigeria để chuẩn bị cho khả năng nguồn cung dầu của Nga giảm. EU nhập khẩu 14% tổng nguồn cung khí đốt từ Nigeria và có khả năng tăng hơn gấp đôi con số này.

Dù vậy, giá dầu có giữ được đà giảm trong hết tuần này hay không thì chưa thể đoán trước được. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây tăng biên độ lãi suất thêm 0,5%, đẩy lãi suất tiền gửi quay lại mức 0% khiến cho giới đầu tư ngần ngại trong việc nắm giữ và tăng mua dầu, đặc biệt khi độ biến động lớn trong phiên đã khiến cho khối lượng giao dịch giảm đi trong những phiên gần đây.

Các ngân hàng trung ương khác như của Nhật cũng đang chịu sức ép khi đồng tiền mất giá quá nhiều so với đồng USD khiến cho thị trường tài chính trong nước trở nên bất ổn. Trong khi đó, tại châu Âu, việc Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom liên tiếp thực hiện bảo trì, bảo dưỡng bất chợt và kéo dài trong nhiều ngày, đã gây ra tình trạng bất ổn trong nguồn cung lớn hơn nhiều ở khu vực này so với Mỹ.

Nỗ lực kiểm soát giá dầu thế giới

Hiện Mỹ và phương Tây đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp để đặt giá trần lên các sản phẩm dầu của Nga, đồng thời cấm các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các chuyến tàu chở dầu Nga. Biện pháp này nhằm giữ cho giá dầu của Nga ở mức thấp mà không khiến nguồn cung bị cắt đứt hoàn toàn và giá dầu toàn cầu không biến động liên tục.

Tại Việt Nam, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 25-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 25.073 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.070 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.858 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.246 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.

Hồi tháng trước, nhóm bảy quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng từng đồng ý cùng nhau tìm cách cấm “tất cả dịch vụ vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển trên toàn cầu, trừ trường hợp dầu được mua ở mức giá bằng hoặc thấp hơn giá đã thỏa thuận với các đối tác quốc tế”. Tuy nhiên, điều phối viên của Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế - ông Amos Hochstein mới đây cho biết Mỹ vẫn chưa giải quyết các chi tiết cụ thể trong khuôn khổ áp đặt giới hạn giá toàn cầu.

Ngoài ra, một số quốc gia thành viên EU phụ thuộc lớn vào dầu của Nga đã do dự về việc áp đặt giới hạn giá như vậy với quan ngại phía Nga sẽ từ chối mức giá này và cắt đứt dòng chảy năng lượng sang châu Âu. Ngày 22-7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết Moscow không có kế hoạch cung cấp dầu thô cho các quốc gia áp đặt giá trần đối với hàng xuất khẩu nước này. Bà Nabiullina phát biểu trước báo giới rằng dầu của Nga sẽ được chuyển hướng đến các quốc gia sẵn sàng “hợp tác”.

Dù vậy, ông Hochstein vẫn lạc quan rằng Nga cuối cùng vẫn sẽ duy trì sản lượng và tiếp tục bán dầu ra các nước dù bị giới hạn giá, bởi “nền kinh tế của họ không có gì khác ngoài dầu”. “Chúng tôi có bằng chứng trên thị trường rằng Nga sẵn sàng đang bán dầu với mức chiết khấu đáng kể. Chúng tôi muốn đặt mức giá tối đa. Chúng tôi biết rằng họ sẵn sàng bán dầu với giá chiết khấu để có thể bán được” - ông Hochstein khẳng định.

Vẫn còn một vấn đề nữa mà phương Tây cần xử lý, để giới hạn giá dầu thực sự hiệu quả đòi hỏi phải có sự tham gia của cả các quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn ở ngoài nhóm G7 như Ấn Độ và Trung Quốc, theo Reuters. Kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu hồi cuối tháng 2 năm nay, Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng nhập khẩu dầu thô từ Nga.•

Nga tiếp tục là nguồn cung dầu thô lớn nhất của Trung Quốc

Trang tin Caixin ngày 25-7 dẫn số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu gần 7,3 triệu tấn dầu thô từ Nga trong tháng 6, tương đương gần 1,8 triệu thùng/ngày, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5, Trung Quốc cũng nhập khẩu hơn 8,4 triệu tấn dầu thô từ Nga, tương đương gần 2 triệu thùng/ngày, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo phân tích của một cơ quan tư vấn hàng hóa Trung Quốc, giá dầu quốc tế tiếp tục ở mức cao trong những tháng gần đây nhưng Nga có lợi thế về giá hơn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, do đó thu hút các nhà nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, đồng thời kéo giảm giá nhập khẩu tổng thể.

Trong nhiều năm, Saudi Arabia và Nga là hai nguồn nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Trung Quốc, trong đó Saudi Arabia dẫn đầu phần lớn thời gian. Kể từ năm 2015 đến nay, Nga chỉ vài lần là nguồn nhập khẩu dầu thô hằng tháng lớn nhất của Trung Quốc.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gia-dau-the-gioi-tiep-tuc-bien-dong-dang-chu-y-a159343.html