Một phỏng vấn nhanh với các tài xế xe công nghệ của các hãng khác nhau cho thấy, chính người lao động được gọi là đối tác cũng rất mơ hồ và khó hiểu trong cách tính phí, tiền chiết khấu. Cùng một ứng công nghệ nhưng cách hiển thị lịch sử đơn giao hàng lại khác nhau trên điện thoại của các shipper. Ngoài ra, có thể nhẩm tính, ứng dụng giao hàng hiện "ăn" tiền 3 bên gồm: phí chia sẻ doanh thu (nhà hàng trả); phí chiết khấu (tính trên giá trị đơn hàng tài xế giao); phụ phí do người mua hàng trả.
GrabFood chiết bao nhiêu tiền trên mỗi đơn hàng?
Tài xế Grab - Thanh Hải cho biết, ngoài mức chiết khấu khoảng 28% mà Grab lấy lại từ tổng hóa đơn thanh toán thì công ty này còn có các khoản phụ phí khác mà chính shipper cũng không thể nắm rõ.
Ví dụ, một đơn hàng sử dụng dịch vụ GrabExpress siêu tốc có tổng giá 24.000 đồng, Grab lấy 2.000 đồng phí dịch vụ. Như vậy, tài xế được tính thu nhập gốc là 22.000 đồng, sau khi trừ đi phần chiết khấu khoảng 28% (6.000 đồng) thì thực tiền shipper có được là 16.000 đồng.
Tuy nhiên, phụ thu trời mưa lại được Grab tính bằng cách khác. Đơn cử, đơn hàng ngày mưa có giá tăng thêm khoảng 10.000 đồng/đơn (tùy quãng đường). Grab tính số tiền này vào tổng giá trị đơn và nghiễm nhiên lấy thêm 28% chiết khấu trên phần phụ thu (2.800 đồng/đơn hàng). Theo tài xế Hải, trước đây, các khoản phụ phí được ghi rõ trong lịch sử mỗi chuyến xe giao hàng nhưng giờ chỉ hiển thị phần tài xế nhận được nên chính tài xế không thể biết Grab thu thêm bao nhiêu phụ phí từ khách đặt hàng.
Trong khi đó, ở đơn hàng của một tài xế khác, Grab lại thu các loại phí như: phụ phí nhu cầu cao (500-1.000 đồng), phí nền tảng (1.000 đồng), Ride Cover (quyền lợi chuyến xe - 2.000 đồng)...
Để kiểm chứng, phóng viên tự đặt một đơn giao đồ ăn có tổng giá trị 51.000 đồng (trong đó, tiền đồ ăn 30.000 đồng và phí áp dụng phải trả 21.000 đồng). Ngạc nhiên, khi giao đơn hàng trên đến nơi, tài xế chỉ thực lĩnh 11.636 đồng. Như vậy, nếu đối chiếu tổng chiết khấu đơn hàng, Công ty Grab đã “ăn” không khoảng 44,6% giá trị (21.000 - 11.636 = 9.364 đồng). Chính tài xế cũng không hiểu rõ bởi họ không có dữ liệu và thông tin đầy đủ.
Cũng liên quan đến mức chiết khấu, tài xế Hoàng Giang - Gojek cho hay, chiếu khấu mà Gojek giữ lại là 27%. Khi đặt hàng, người mua trả riêng thêm 2.000 phí sử dụng nền tảng cho công ty. Ngoài ra, một cuốc xe bình thường chỉ có giá khoảng 11.000-12.000 đồng/đơn thì ngày mưa có thể lên tới 27.000 đồng/đơn. Tuy nhiên, dù tăng giá nhưng thực lĩnh của tài xế vẫn bị trừ đi khoản chiết khấu. Trời mưa chạy xe cực, phải mặc áo mưa, vừa nhìn bản đồ vừa che chắn đồ ăn, còn tiền thêm không được bao nhiêu nên nhiều tài xế quyết định tắt ứng dụng khi trời mưa, không hoạt động.
Tài xế Đức Long - NowFood (ShopeeFood) chia sẻ, mức chiết khấu của hãng là 10% trừ thẳng trên tổng giá trị đơn hàng. Ví dụ, mỗi đơn hàng có giá trị 15.000 đồng thì tài xế nhận được 13.500 đồng. Đến cuối năm, hãng sẽ trừ tiếp tiền thuế thu nhập cá nhân dựa trên tổng số tiền tài xế kiếm được.
Tài xế Quốc Thiện - Beamin ước tính, với mức chiết khấu 20%, sau khi công ty giữ phần này, số còn lại sẽ trừ tiếp 8% tiền thuế. Ví dụ, cuốc xe có giá 16.000 đồng, công ty giữ 20% (tương đương 3.200 đồng). Tài xế còn 12.800 đồng, sau đó trừ thêm 8% tiền thuế thì thực nhận là 11.776 đồng.
Nhiều phí vô lý, tiền về tay ai?
Mới đây, Tổng Giám đốc Grab toàn cầu - ông Anthony Tan - công bố, 100% nguồn thu từ phí nắng nóng ở thị trường Việt Nam sẽ dành cho đối tác tài xế. Tuy nhiên, vị này quên rằng, khoản phụ thu thời tiết tăng thêm khi trời mưa mà Grab đang áp dụng lâu nay, tài xế vẫn phải chiết khấu lại cho công ty.
Phản hồi thông tin trên, tài xế Giang Vĩnh An - Grab cho rằng, việc chỉ ngồi phòng máy lạnh nhưng vẫn lấy chiết khấu đơn hàng của tài xế là cực kỳ vô lý. Với mức chiết khấu trước đây khi Grab mới hoạt động chỉ áp 10-15%, tài xế chỉ cần chạy 8-10 tiếng/ngày, nhưng giờ muốn kiếm được số tiền tương đương họ phải chạy 14-16 tiếng/ngày.
Tài xế Lý Thanh Tuấn - Grab đồng tình, mức chiết khấu hiện quá cao. Một người chạy liên tục từ 4h-19h tối, làm việc khoảng 14-15 tiếng/ngày phải rất chịu khó mới có thu nhập khoảng 500.000 đồng. Tài xế này góp ý, nếu tiền phí nắng nóng dành riêng cho tài xế thì hợp lý, còn nếu vẫn chiết khấu qua lại cho hãng xe công nghệ thì thà đừng có còn hơn bởi sẽ làm đội giá vận chuyển, khiến khách không muốn đặt hàng.
Trước đó, đã phản ánh, các nhà hàng cũng chia sẻ tiền doanh thu không nhỏ cho ứng dụng công nghệ. Cụ thể, tiền chia sẻ bán hàng qua Baemin là 25%/đơn; Loship 27,5%/đơn; Foody 18%/đơn; GrabFood 25%/đơn.
Nhiều chủ nhà hàng thông tin, việc cộng tác với các app giao đồ ăn chỉ phục vụ quảng cáo, còn lợi nhuận thu được từ các đơn hàng bằng 0. Bởi, khách chỉ đặt hàng khi có chương trình khuyến mại, mà khuyến mại thì tự nhà hàng đứng ra chịu thiệt, giảm tiền. Nếu không có ưu đãi, khách ít đặt do nhà hàng đã tăng giá bán cao hơn để bù tiền chia sẻ cho các hãng công nghệ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hang-xe-cong-nghe-an-day-phi-va-chiet-khau-tai-xe-ngay-them-cong-lung-a159393.html