Việc VN-Index điều chỉnh sâu trong quý II khiến thị trường mất đi trạng thái lý tưởng cho hoạt động đầu tư chứng khoán. Dễ dàng nhận thấy nhất ở nhóm ngành chứng khoán trong quý vừa qua.
Từ những nhà đầu tư “tay ngang” là những công ty niêm yết cho đến bộ phận hoạt động chuyên nghiệp trong ngành như đội tự doanh công ty chứng khoán đều nằm chung một trạng thái là lỗ. Hệ quả là các công ty chịu sức ép từ việc giảm thu phí giao dịch, lãi vay margin và danh mục đầu tư sụt giảm nghiêm trọng.
Trên các phương tiện truyền thông, nhà đầu tư thường xuyên nhìn thấy những công ty báo lỗ kỷ lục kể từ khi hoạt động hay lợi nhuận sụt giảm sâu so với cùng kỳ. Bức tranh tổng thể ngành chứng khoán quý II không mấy sáng sủa, thậm chí có thể nói u tối.
Thống kê lợi nhuận của các công ty cho thấy quý II vừa qua là tồi tệ nhất kể từ thời điểm thị trường phục hồi và bước vào nhịp tăng mạnh đầu quý II/2020. Tình trạng của các công ty lúc này chỉ tốt hơn so với lúc thị trường lao dốc quý đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ.
Thống kê của phóng viên tại 73 công ty chứng khoán, tổng lợi nhuận trước thuế của các công ty đạt gần 2.800 tỷ đồng. Thống kê này dường như phản ánh tình hình kinh doanh chung của ngành chứng khoán bởi những đơn vị còn lại gần như không hoạt động hay trong diện kiểm soát.
So với cùng kỳ năm ngoái và quý liền kề trước, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành chứng khoán giảm lần lượt 4.650 tỷ đồng và 5.800 tỷ đồng.
Khi thị trường chao đảo đầu năm 2020, lợi nhuận quý I của ngành từng xuống thấp kỷ lục 620 tỷ đồng và nhanh chóng hồi phục lên hơn 4.200 tỷ đồng quý sau đó. Kết quả trên vẫn tốt hơn thời điểm hiện tại dù điểm số của thị trường hai mốc thời gian có sự khác biệt đáng kể.
Với những gì được phản ánh trên báo cáo tài chính, có lẽ ngành chứng khoán đã bước qua vùng đỉnh về lợi nhuận, hay nói theo cách của nhiều người rằng “mùa hoa đẹp nhất đã đi qua”. Khác với các lĩnh vực khác, lợi nhuận ngành chứng khoán sụt dốc ngay khi vừa qua vùng đỉnh.
Thời kỳ kinh doanh thuận lợi, lãi trước thuế 4 quý trước đó của ngành đều trên ngưỡng 7.300 tỷ đồng và đạt đỉnh vào quý IV, vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Lần đầu tiên ngành chứng khoán đạt được con số lợi nhuận mà nhiều vị chủ tịch, tổng giám đốc nhận định là “con số trong mơ”.
Không ai tưởng tượng thị trường chứng khoán Việt Nam có “thiên thời” với sự bùng nổ của dòng tiền F0 đẩy thanh khoản mỗi ngày đạt trên 1 tỷ USD. Nguồn thu phí giao dịch, lãi cho vay margin, chốt lời tự doanh… tất cả đều giúp các công ty chứng khoán kiếm bộn tiền.
Nhưng mùa hoa đẹp đã qua, trở lại với hiện thực, thống kê cho thấy 24/73 công ty chứng khoán báo lỗ trong quý vừa qua, gấp đôi con số quý I. Tồi tệ hơn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, có đến 53/73 công ty chứng khoán đi lùi.
Xét kết quả kinh doanh của từng đơn vị, toàn thị trường có 12 công ty báo lãi trên 100 tỷ đồng trong quý II, trong khi quý I có 22 đơn vị. 6/10 công ty chứng khoán có quy mô lợi nhuận lớn nhất thị trường chứng kiến sự tăng trưởng âm
Số liệu cụ thể, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) báo lãi trước thuế hơn 831 tỷ đồng, giảm gần 17% so cùng kỳ năm ngoái. Theo sau đó, Chứng khoán VNDirect (công ty mẹ) (Mã: VND) có lợi nhuận trước thuế 646,7 tỷ đồng, tăng 32%. Tuy vậy, các mảng kinh doanh của công ty này lại không mấy nổi bật, lợi nhuận phần nhờ hạch toán khoản đầu tư vào cổ phiếu PTI. Chứng khoán SSI (công ty mẹ) đứng thứ ba với hơn 518 tỷ đồng.
Top10 công ty báo lãi lớn nhất trong quý II còn có những cái tên quen thuộc như Bản Việt, HSC, VPS, Mirae Asset (Việt Nam) và MBS.
Trong quý II, một cái tên mới nổi của thị trường là VPBank Securities lọt Top15 về lợi nhuận. Sau khi đổi chủ về tay VPBank và tăng vốn lên gần 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận của công ty này cải thiện, vượt xa nhiều đơn vị hoạt động lâu năm trong ngành.
Nửa dưới của bảng xếp hạng, Chứng khoán APEC (Mã: APS) dẫn đầu với mức lỗ trước thuế gần 442 tỷ đồng. Hai đơn vị khác cũng lỗ đậm 372 tỷ đồng và 268 tỷ đồng là Chứng khoán SHS và Chứng khoán Rồng Việt. Chịu sức ép từ mảng tự doanh, những công ty khác có mức lỗ hàng trăm tỷ đồng như ACBS, Bảo Minh, Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS), APG.
Không ít những công ty trong số trên báo mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động như Chứng khoán APEC, SHS, TPB, Rồng Việt. Nhóm những đơn vị lỗ đậm trong quý vừa qua còn có Thiên Việt, Hải Phòng, Funan, KIS Việt Nam.
Song, cần phải nói rằng, mức lỗ của các công ty chứng khoán là “lỗ kỹ thuật” hay “lỗ trạng thái” đến từ việc đánh giá lại danh mục tự doanh. Số ít trong đó hiện thực hóa khoản lỗ bằng các lệnh bán ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích câu chuyện này trong bài viết sắp tới.