Trồng sâm Ngọc Linh ở… Măng Đen
Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh tại 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Tuy nhiên, hiện tại có một công ty lại “vẽ” ra viễn cảnh trồng sâm Ngọc Linh tại vùng Măng Đen huyện Kon Plông, là địa danh ngoài vùng chỉ dẫn địa lý.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG) được thành lập năm 2017. Theo giới thiệu, năm 2018 công ty phát triển vùng trồng sâm tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Công ty hoạt động, nghiên cứu trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu; sản xuất và phân phối sản phẩm sâm Ngọc Linh. Công ty cam kết sản phẩm sâm Ngọc Linh xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Sở hữu vùng trồng nguyên liệu lớn tại Kon Tum và Quảng Nam…
Với dự án tại Kon Tum, Công ty MHG giới thiệu dự án MHG Farm nằm trong chuỗi các dự án đồng hành với tỉnh Kon Tum trong việc phát triển cây dược liệu, đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước. Và phát triển dược liệu và trồng sâm Ngọc Linh là một trong những chiến lược mũi nhọn của MHG…
Hiện Công ty MHG có Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông (đã được MHG mua lại năm 2019) đang triển khai dự án tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Công ty MHG đang từng bước triển khai dự án trồng sâm Ngọc Linh nơi đây.
Theo ông Trần Quốc Toản, quản lý hợp tác xã cho biết, hiện dự án đang đầu tư hạ tầng để đưa sâm Ngọc Linh từ Quảng Nam qua trồng. Chiến lược của Tập đoàn tập trung phát triển các sản phẩm từ sâm đã triển khai ở Quảng Nam vài năm nay. Đã có một số sản phẩm mang thương hiệu sâm Ngọc Linh riêng của MHG. Thương hiệu sâm Ngọc Linh của Tập đoàn đã có.
Trước thông tin trên, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có công ty nào tên MHG tham gia trồng sâm Ngọc Linh. Nếu thông tin ở Măng Đen trồng sâm Ngọc Linh, họ chẳng qua trồng thăm dò, thử nghiệm. Trong khi đó, tại Kon Tum, Công ty MHG gần như không ai biết. Trong số 5 công ty được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng sâm Ngọc Linh không có Công ty MHG hay Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông.
Là người có thâm niên 25 năm trồng sâm Ngọc Linh, ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết, sâm Ngọc Linh chỉ trồng trên núi Ngọc Linh mới là sâm Ngọc Linh.
"Sâm trồng trên núi Ngọc Linh mới đem lại giá trị dinh dưỡng cao nhất. Sâm Ngọc Linh mà đem đi trồng ở vùng khác thì nó trở thành sâm khác. Thổ nhưỡng, khí hậu, tính đặc hữu nơi đây nó khác so với mọi miền của đất nước”, ông A Sỹ khẳng định.
“Bánh vẽ” từ sâm Ngọc Linh
Công ty MHG, thành lập năm 2017, đến nay sau 5 năm nhưng công ty đã có hàng chục sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh mang thương hiệu của riêng mình. Trong khi đó, với sâm Ngọc Linh, sâm củ phải được trồng ít nhất 6 năm mới khai thác để chế biến ra sản phẩm.
Mặc dù chưa trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum như chính ông Trần Quốc Toản, quản lý dự án của Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông khẳng định với phóng viên nhưng Công ty MHG đã kêu gọi các nhà đầu tư vào dự án MHG Farm tại huyện Kon Plông (Kon Tum). Một dự án trồng sâm Ngọc Linh ở ngoài vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.
Để thuyết phục nhà đầu tư, MHG còn “tung” ra hàng loạt hình ảnh vườn sâm Ngọc Linh đã được trồng bài bản, một số hình ảnh đẹp, bắt mắt; trong đó, có một số trùng khớp với vườn sâm của của các công ty trồng sâm được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng tại núi Ngọc Linh.
Theo lời giới thiệu trên website kêu gọi đầu tư của MHG, quy mô vườn dược liệu sâm Ngọc Linh lên đến 10.000 m2 được đầu tư chăm sóc chuẩn kỹ thuật, áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến. Ngoài việc trồng và khai thác sâm Ngọc Linh tại MHG Farm, MHG có quy hoạch bảo tồn nguồn sâm gốc và cung ứng giống cho nhân dân trồng, phát triển…
Ông Trần Quốc Toản cho biết thêm: "Hiện chúng tôi làm hạ tầng đưa sâm Ngọc Linh từ Trà My về trồng và phát triển diện tích tại hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông. Việc di thực, đưa sâm giống Ngọc Linh từ Quảng Nam qua Măng Đen để trồng chỉ là “bánh vẽ” của MHG với nhà đầu tư".
Trước thông tin trên, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam khẳng định, các doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam không có Công ty tập đoàn MHG. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đang có 15 doanh nghiệp được thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh và không có MHG. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng chưa có doanh nghiệp nào đủ năng lực trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam với số lượng lớn để di thực đi trồng nơi khác.
Tại trang chủ samngoclinhmhg.com, các sản phẩm mang thương hiệu “sâm Ngọc Linh” của MGH khá đa dạng, lên đến hàng chục sản phẩm như: sâm lát ngâm mật ong, dầu gió sâm Ngọc Linh, rượu sâm Ngọc Linh, nước uống bổ dưỡng, nước yến, sữa bột, viên ngậm, viên sủi… sâm Ngọc Linh.
Hàng loạt sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh được công ty giới thiệu, quảng bá, tuy nhiên, trả lời báo chí, bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh cho biết: “Công ty đang chú trọng sản xuất các sản phẩm liên quan đến Hồng đẳng sâm. Đây là cây sâm gần giống như sâm Hàn Quốc, nhưng chất lượng Saponin Hồng đẳng sâm Việt Nam rất là cao và đang được trồng ở Nam Trà My, Kon Tum. Và hiện tại chúng tôi lấy cây Hồng đẳng sâm là sản phẩm trọng điểm”.
“Bây giờ doanh nghiệp hay tư thương mua bán, kinh doanh sâm Ngọc Linh vẫn còn lẫn lộn việc mượn tên sâm Ngọc Linh để mua bán dưới nhiều hình thức sản phẩm sâm khác. Sâm Ngọc Linh là sâm Ngọc Linh, không thể lấy dòng sâm khác gọi là sâm Ngọc Linh được", ông Trần Út nhấn mạnh.
Quốc bảo sâm Ngọc Linh đang là “bánh vẽ” để các công ty lừa dối nhà đầu tư và người tiêu dùng nhằm trục lợi.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/banh-ve-voi-thuong-hieu-quoc-bao-sam-ngoc-linh-a159948.html