Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán ACB – HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, đạt 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm. Riêng quý 2, ACB ghi nhận lợi nhuận 4.914 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính nhờ vào tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ngay từ đầu năm, tập trung tăng trưởng thu nhập phí dịch vụ và các khoản thu hồi nợ xấu, và các khoản hoàn nhập dự phòng do thu hồi nợ xấu và nợ cơ cấu theo Thông tư 14.
Với kết quả này, ACB duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tới 25,8%, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trên thị trường.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm các mảng kinh doanh trọng yếu của ACB hầu hết đều tích cực. Trong đó thu nhập lãi thuần đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 20%, chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động bancassurance tăng 16%, thanh toán quốc tế tăng trưởng 30% và dịch vụ thẻ tăng 33% so với cùng kỳ.
Trong kỳ báo cáo ghi nhận khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán hơn 200 tỷ chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Chi phí hoạt động tăng 41% so với cùng kỳ do năm 2021 ghi nhận khoản hoàn nhập chi phí rủi ro tài sản khác gần 600 tỷ. Riêng chi phí hoạt động chưa bao gồm chi phí rủi ro tài sản khác chỉ tăng 21%
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất đạt gần 544 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 16 nghìn tỷ so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng đạt gần 396 nghìn tỷ, tăng trưởng 9,31% so với đầu năm. Mặc dù tín dụng tăng mạnh nhưng ngân hàng kiểm soát nợ xấu ở mức rất thấp, chỉ 0,76%, là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trên thị trường (cùng với Vietcombank và Techcombank). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục ở mức cao 185%.
Tiền gửi khách hàng đạt trên 388 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8 nghìn tỷ so với đầu năm tương đương tăng 2,2%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA) ở mức 25,0%, gần tương đương cuối năm 2021 theo xu hướng chung của thị trường khi dòng tiền của khách hàng dịch chuyển sang các kênh đầu tư và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh khi nguồn cung tín dụng của các ngân hàng có sự hạn chế trong quý 2/2022
Tại thời điểm 30/6/2022, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng tiếp tục cải thiện, đạt 11,93% vượt xa mức tỷ lệ tối thiểu 8% của Basel II.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/loi-nhuan-truoc-thue-cua-acb-tang-42-trong-6-thang-dau-nam-ty-le-no-xau-duy-tri-thap-chi-076-a160083.html