Tin tức liên quan |
Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu đang trở thành chủ đề “nóng” ở thời điểm hiện tại sau khi ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt và 9 lô trái phiếu do các công ty trong hệ sinh thái phát hành bị hủy.
Mới đây, các cơ quan chức năng đã ráo riết thanh tra nhiều vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021 được Bộ Tài chính công bố nhận được sự chú ý lớn từ dư luận.
Không nằm trong danh sách này nhưng CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) đã kịp “Lọt Top” từ năm 2020. Từ 2020 đến 2021, TNR Holdings liên tục phát hành hàng trăm lô trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà nhà đầu tư. Và phần không nhỏ trong số đó không có tài sản đảm bảo.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong quý 1/2020, TNR Holdings đã huy động 5.347 tỷ đồng từ trái phiếu với 2 loại kỳ hạn 36 tháng và 60 tháng. Tất cả đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, lãi suất cố định 10,9%/năm và trả lãi hàng năm.
Tính chung 4 tháng đầu năm, số tiền công ty đã huy động từ trái phiếu lên đến 8.272 tỷ đồng với 200 lô và là tổ chức phát hành nhiều nhất.
Tháng 4/2020, TNR Holdings tiếp tục phát hành 2.925 tỷ đồng trái phiếu thông qua 60 lô. Lượng trái phiếu này cũng đều là loại không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu 60 tháng với lãi suất cố định 10,9%/năm, trả lãi hàng năm.
Bước sang 2021, TNR Holdings dù “hạ nhiệt”, TNR Holdings vẫn hút hàng ngàn tỷ đồng từ huy động trái phiếu.
Trong khoảng thời gian từ 15/11-2/12, TNR Holdings đã huy động thành công 500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 10%/năm, kỳ hạn 7 năm.
Một tổ chức đầu tư trong nước đã mua trọn lô trái phiếu này của TNR dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán HDB (HDBS) và Ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam (MSB).
Trước đó trong giai đoạn 18/10-8/11/2021, TNR Holdings cũng đã phát hành 3 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng.
Đến ngày 3/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dồn dập phát hành trái phiếu trong khi hoạt động kinh doanh chính không sản sinh ra nhiều lợi nhuận để gia tăng nguồn vốn nên TNR Holdings trong tình trạng nợ vượt xa vốn.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả tại TNR Holding lên đến 17.739 tỷ đồng, tăng 5.806 tỷ đồng, tương đương 48,7% so với cuối năm 2020, cao gấp 8,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 89% tổng nguồn vốn.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 9.872 tỷ đồng lên 10.438 tỷ đồng, vay và nợ thuê ngắn hạn tăng từ 603 tỷ đồng lên 2.538 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay tại TNR Holdings đạt 12.976 tỷ đồng, chiếm 73,1% tổng nợ phải trả.
Nợ vay rất cao, ngót nghét nửa tỷ đô và cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu nhưng trong năm 2021, chi phí lãi vay tại TNR Holdings lại chỉ là 0 đồng, giảm mạnh so với con số 18,9 tỷ đồng năm 2020.
Các con số này khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi có hay không năm 2021 TNR trả lãi trái phiếu cho trái chủ.
Trong khi đó, ở bảng lưu chuyển tiền tệ, TNR Holdings xác định tiền lãi vay đã trả năm 2021 là 1.067 tỷ đồng, năm 2020 là 1.416 tỷ đồng.
Năm 2021, lợi nhuận tại TNR Holdings tăng vọt nhưng vẫn rất khiêm tốn so với quy mô vốn. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 18,6 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Con số này không đủ bù đắp cho dòng tiền.
Tại thời điểm cuối năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TNR Holdings lên tới âm 1.169 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là âm 3.145 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/don-dap-phat-hanh-trai-phieu-khong-tai-san-dam-bao-tnr-holdings-no-gap-82-lan-von-a161175.html