“Gánh nặng” nợ trăm tỷ từ Tân Hoàng Minh khiến Coteccons thua lỗ

Khoản nợ gần 500 tỷ đồng từ một thành viên của Tân Hoàng Minh đến nay vẫn chưa đòi được khiến Coteccons phải liên tục trích lập dự phòng.

Từ lãi sang lỗ

 

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo báo cáo quý này của CTD, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn tăng 28%, lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm tăng tăng lên 5.193 tỷ đồng; Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh 60%, nâng luỹ kế 6 tháng tăng hơn 10% lên 282,3 tỷ đồng.

coteccons-ky-ket-hop-dong-lam-tong-thau-du-an-dcapitale-cua-tap-doan-tan-hoang-minh-1659344484.jpeg
Coteccons ký kết hợp đồng làm tổng thầu dự án D’Capitale của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tháng 9/2016

Hoạt động kinh doanh chính hiện nay của CTD khả quan, song trong báo cáo tài chính hợp nhất quý này, CTD đã chuyển từ lãi gần 45 tỷ đồng cùng kỳ 2021 sang lỗ gần 24 tỷ đồng quý 2 năm nay (giảm 153%).

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng mạnh 195% là nguyên nhân khiến doanh nghiệp này bị bào mòn hết lợi nhuận.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Conteccons, trong kỳ công ty này phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tới 242 tỷ đồng cho dự án D’Capitale của Công ty Ngôi sao Việt, một công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Khoản nợ 484 tỷ đồng

 

Liên quan đến dự án này, Coteccons đã ký kết hợp đồng Tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng dự án D'Capitale - Trần Duy Hưng với Tân Hoàng Minh Group vào tháng 9/2016.

Chỉ 3 năm sau, dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2019. Nhưng theo CTD, mặc dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ nhưng trong quý 2/2022 Coteccons vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng 242 tỷ đồng cho dự án này.

Đây là dự án mà CTD phải trích lập dự phòng nặng nề nhất.

Số trích lập dự phòng lũy kế từ 2020 đến 30/6/2022 lên đến 484 tỷ đồng, đủ cho dư nợ của dự án này.

CTD cho biết, việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ 2018 - 2020, cùng những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay, đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận quý 2/2022 của công ty.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của Coteccons âm 23,8 tỷ đồng, biên lợi nhuận âm 0,73%. Lũy kế 6 tháng 2022, lợi nhuận sau thuế của Coteccons chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, biên lợi nhuận đạt 0,1%.

Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh của Coteccons âm hơn 1.298 tỷ đồng, lần đầu tiên dư nợ vay của Coteccons đạt 1.314 tỷ đồng dù thu nhập tài chính ròng của CTD 6 tháng đầu năm vẫn đạt 155% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tái cơ cấu tài chính

 

CTD cho biết, những hệ lụy từ gánh nặng quá khứ tồn tại nhiều năm cần thời gian để xử lý. Trong khi đó, thị trường chung vẫn khó khăn chung lợi nhuận của Coteccons trong ngắn hạn bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.

Trong 2 năm qua, CTD đã tái cấu trúc công ty. Riêng về tài chính, công ty đã hình thành danh mục đầu tư ngắn hạn thành 3 loại: Tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng; Tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 4-12 tháng và Danh mục đầu tư trái phiếu hỗn hợp kỳ hạn 1-12 tháng.

Theo tiết lộ của CTD, tỷ suất lợi nhuận thu nhập tài chính bình quân và phòng ngừa rủi ro về khả năng thanh toán, tỷ lệ thu nhập tăng từ 3-6% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 5-12% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Đến nay, 3 khoản đầu tư tài chính nói trên tại CTD là hơn 3.000 tỷ đồng.

Đến 30/6, công ty mới đạt 34,6% kế hoạch doanh thu năm tuy nhiên CTD cho rằng dự kiến sau khi thị trường bất động sản phục hồi và các dự án đầu tư công được đẩy mạnh triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công ty bứt phá trong nửa cuối năm 2022.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ganh-nang-no-tram-ty-tu-tan-hoang-minh-khien-coteccons-thua-lo-a161202.html