VCI Group là cái tên quen thuộc tại thị trường địa ốc Vĩnh Phúc nhờ sở hữu loạt dự án lớn như dự án khu nhà ở đô thị Sky Garden (tổng diện tích 17,2ha); khu dịch vụ biệt thự trung tâm thị trấn Tam Đảo (diện tích khu đất là 2.320m2); chung cư thương mại 25 tầng – VCI Tower (diện tích gần 5.819m2); khu nhà ở đô thị Mountain View (diện tích gần 93.000m2); tòa nhà phức hợp VCI Complex...
Cũng tại Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tam Đảo - thành viên của VCI Group là chủ đầu tư dự án Grand Hotel Victory với diện tích đất thực hiện dự án là 6.876m2.
Khách sạn sở hữu 300 phòng nghỉ cao cấp, cùng tổ hợp các dịch vụ khác như nhà hàng, phòng hội thảo, Lounge & Bar, bể bơi bốn mùa, spa & massage, health club, tổ hợp khu vui chơi. Thời gian dự kiến hoàn thiện và đi vào hoạt động quý IV/2022.
Tuy nhiên, dữ liệu Diễn đàn Doanh nghiệp có được cho thấy, hoạt động kinh doanh của VCI Group đáng báo động khi doanh thu đi lùi và báo lỗ liên tục.
Trong 3 năm gần đây (2019 – 2021), VCI Group chứng kiến đà tăng liên tiếp của tổng tài sản, từ mức 883 tỷ đồng vào năm 2019, tài sản của doanh nghiệp này tăng lên 1.274,3 tỷ vào năm tiếp theo và đến năm ngoái, tài sản của VCI Group đã gần cán mốc 1.500 tỷ đồng.
Mặc dù tăng trưởng ấn tượng và sở hữu loạt dự án khủng trong “giai đoạn vàng” và liên tiếp “sốt giá” của thị trường bất động sản 2020 – 2022. Trong giai đoạn này, phần lớn tài sản của VCI Group là tài sản ngắn hạn, đặc biệt là hàng tồn kho.
Trong năm 2020, hàng tồn kho của doanh nghiệp này là 462,7 tỷ đồng rồi tăng vọt lên 713,8 tỷ đồng vào năm 2021, chiếm đến 50% tổng tài sản.
Đáng chú ý, tại danh sách chây ì nợ thuế tiền sử dụng đất tính đến hết tháng 4/2021 của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã "gọi tên" VCI Group khi đơn vị này nợ tới nợ 71,67 tỷ đồng, thời hạn nộp là 13/01/2016.
Đến đầu năm 2022, Công ty cổ phần đầu tư VCI nợ 25 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, đã cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng.
Về nguồn vốn, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức gần 700 tỷ đồng thì nợ phải trả của VCI Group trong 3 năm qua đã tăng gấp 4 lần. Cá biệt năm 2021, nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm đến hơn 52% tổng cộng nguồn vốn.
Cụ thể, giai đoạn 2019 – 2021, nợ phải trả của VCI Group từ 184,7 tỷ đồng lên 746 tỷ đồng. Các khoản nợ này chủ yếu là nợ dài hạn, đặc biệt là vay và nợ thuê tài chính.
Nợ vay tài chính dài hạn của VCI Group tăng từ mức 126,7 tỷ đồng (2019) lên 326 tỷ đồng (2020) và đạt 403,3 tỷ đồng vào năm 2021. Đồng thời, các khoản doanh thu chưa thực hiện cũng chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong cơ cấu nợ của VCI Group.
Trong 3 năm qua, kết quả kinh doanh của VCI Group liên tục sụt giảm doanh thu và ngày càng thua lỗ. Cụ thể, doanh thu thuần của VCI Group giảm từ mức 41,5 tỷ đồng vào năm 2019 xuống còn 40 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp chỉ còn chưa tới 5 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi giá vốn bán hàng và các loại chi phí, VCI Group lỗ 83 triệu đồng vào năm 2019. Mức lỗ của doanh nghiệp ngày một nặng hơn, lần lượt lỗ 4,2 tỷ đồng và gần 6 tỷ đồng trong năm 2020 và 2021.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/so-huu-loat-du-an-khung-vci-group-van-bao-lo-lien-tuc-a161476.html