Theo thông tin từ vtv.vn, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông báo vừa nhận được báo cáo kết quả kiểm nghiệm 3 sản phẩm mỹ phẩm nhãn mỹ phẩm ghi sản xuất tại Anh do Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Hải Dương mua trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee để kiểm tra chất lượng gồm:
Dr Therapy Melasma - Best for spa Night cream, NSX: 16/5/2022; HSD 16/5/2025;
Dr Therapy Melasma - Best for spa Day cream, NSX: 16/5/2022; HSD: 16/5/2025;
Dr Therapy Melasma - Cream Perfect for spa, NSX: 05/01/2021; HSD: 04/01/2024.
Kết quả kiểm nghiệm 3 sản phẩm nêu trên chứa hàm lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép, không đáp ứng yêu cầu về giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm. Thành phần công thức sản phẩm ghi trên nhãn có chứa chất Hydroquinone 2% là chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da theo quy định
Hiện 3 sản phẩm nêu trên chưa được Cục Quản lý Dược cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với mỹ phẩm nhập khẩu, không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Đối với 3 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên, Cục Quản lý Dược chuyển Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để thông báo cho Công ty TNHH Shopee (Shopee) và các sàn giao dịch thương mại điện tử, yêu cầu ngừng kinh doanh, gỡ bỏ các thông tin về các sản phẩm vi phạm này và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Cục Quản lý Dược yêu cầu Shopee tiến hành thu hồi các sản phẩm đã bán cho khách hàng.
Theo ghi nhận của nguoiquansat.vn, đến 17h chiều ngày 30/7, 3 sản phẩm nêu trên đã bị gỡ hoàn toàn khỏi Shopee.
Shopee là một trang thương mại điện tử mua sắm, được thành lập năm 2015 tại Singapore. Đến 8/2016 Shopee chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam và nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng mua sắm được nhiều người sử dụng nhất.
Khi vào trang mua sắm của Shopee, người dùng có thể thấy hàng ngàn các sản phẩm với nhiều ngành hàng, thương hiệu và mức giá khác nhau. Không thể phủ nhận sàn thương mại điện tử này đã giúp cho quá trình mua sắm trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh hoặc laptop, bạn đã có thể sở hữu sản phẩm mình muốn với chi phí tối ưu nhất và được vận chuyển tới tận nhà.
Tuy nhiên, rủi ro khi mua hàng trên Shopee cũng không hề nhỏ, nhiều người ví đây giống như một “chợ đầu mối online” với hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được đăng bán tràn lan. Quá trình kiểm duyệt của Shopee cũng chưa được chặt chẽ, thiếu minh bạch, hoàn toàn dựa trên sự công khai của người bán.
Chính vì thế, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên Shopee là một vấn đề rất nan giải và cần phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt giữa địa phương và doanh nghiệp.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Shopee bị phản ánh về sự lỏng lẻo trong công tác kiểm duyệt sản phẩm. Trước đó vào năm 2018, “súng đồ chơi” từng được công khai đăng bán trên Shopee dù đây là mặt hàng bị cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo quy định của Nhà nước.
Theo báo cáo của văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), Shopee nằm trong số các sàn thương mại điện tử bị cáo buộc bán hàng giả với “mức độ rất cao”. Năm 2021, Shopee từng bị chính người bán “tố” khi duyệt hàng giả, hàng nhái nhưng lại khóa hàng thật.
Với lý do hệ thống sẽ không thể kiểm soát được hết nếu như người bán cố tình vi phạm mà không qua kiểm duyệt của bộ phận kiểm duyệt, Shopee cho rằng cần sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp để có thể rà soát chặt chẽ hơn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ngap-tran-hang-gia-hang-nhai-tren-shopee-a161568.html