Ảnh minh họa.
Ngày 2/8, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử đối với Nguyễn Anh Đức (SN 1987, ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đây là đối tượng tiếp tay cho đường dây của Trịnh Thị Quỳnh Nga (SN 1967, ở huyện Hoài Đức) chuyên làm giả hồ sơ vay vốn các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội từ năm 2018-2020.
Hồ sơ thể hiện, vào đầu năm 2018, Nga quen biết Đức và vay 400 triệu đồng. Do đang vay nợ ngân hàng và nhiều người khác nên Nga phải “xoay xở” tìm chỗ vay tiền có lãi suất thấp. Đến tháng 2/2019, Đức giới thiệu Nga với Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1983, cựu cán bộ ngân hàng). Vì Nga bị liệt vào danh sách nợ xấu nên Nguyệt bày cách, nếu muốn vay tiếp, nga phải làm hồ sơ thông tin cá nhân giả nhằm “qua mắt” Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC).
Cả nhóm thống nhất, Đức chịu trách nhiệm làm giả các giấy tờ, hồ sơ vay vốn với chi phí 15 triệu đồng/1 loại giấy tờ và 10 triệu đồng/1 vụ để kiểm tra nợ xấu. Tài sản thế chấp là xe ô tô do Đức và Nguyệt bố trí. Nhóm này cũng thỏa thuận nếu ngân hàng duyệt khoản vay thì Nga sẽ phải trả cho Nguyệt và Đức khoảng 30% tổng số tiền được vay.
Theo kế hoạch trên, Nga chụp ảnh các giấy tờ, thông tin cho Đức. Do không muốn chồng biết nên Nga đã nhờ một người lái xe ôm (không rõ nhân thân), chụp ảnh chân dung để đóng giả làm chồng Nga và đến các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng.
Với cách thức trên, nhóm này đã làm giả hồ sơ để vay tiền của 4 ngân hàng.
Cụ thể, đầu tháng 4/2019, Nguyệt giới thiệu cho Nga liên hệ Ngân hàng VIB. Theo thỏa thuận, Đức làm giả bộ gồ sơ gồm CMND, hộ khẩu của vợ chồng Nga. Để có tài sản thế chấp, Nguyệt đã thuê chiếc xe ô tô hiệu Toyota Camry màu trắng với chi phí 150 triệu đồng rồi gửi thông tin chiếc xe cho Đức. Đức làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô, giấy chứng nhận thẩm định.
Do ngân hàng yêu cầu chứng minh thu nhập, Nga tự soạn hợp đồng lao động với CTCP Nhựa Á Đông với mức lương hơn 28 triệu đồng/1 tháng. Thực chất, Nga từng có thời gian làm việc tại công ty này từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019. Nga giả mạo chữ ký giám đốc, lén lút lấy con dấu công ty đóng vào hợp đồng lao động xác minh tiền lương. Các bị cáo còn làm giả hợp đồng lao động giữa Công ty TNHH Sayen Việt Nam và Đỗ Xuân Khoa (chồng Nga).
Hoàn tất toàn bộ hồ sơ, Nga gửi cho nhân viên ngân hàng. Sau khi qua vòng thẩm định, Nga được giải ngân số tiền 1,24 tỷ đồng.
Đến tháng 6/2019, do cần tiền đầu tư kinh doanh và trả nợ, Nga tiếp tục bàn với Nguyệt và Đức làm giả hồ sơ để vay vốn Ngân hàng Agribabnk. Lần này các bị cáo thuê xe ô tô hiệu Toyota Lexus GX460 với chi phí 250 triệu đồng để lấy thông tin xe. Cùng với cách thức cũ, các bị cáo đã được duyệt hồ sơ và ngân hàng giải ngân cho vay 2 tỷ đồng.
Ngài ra, các bị cáo còn làm giả hồ sơ vay Ngân hàng An Bình số tiền 1,1 tỷ đồng, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín 1,2 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, sau kkhi vay được tiền, Nga chi trả gốc lãi cho các ngân hàng, chi phí làm giả hồ sơ vay vốn. Tổng số tiền Nguyệt hưởng lợi từ việc làm giả giấy tờ là 189 triệu đồng. Còn Đức làm giả 32 tài liệu, hưởng lợi 90 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Đức bỏ trốn. Đến ngày 5/1/2022, Đức đến Công an phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa đầu thú.
Còn Trịnh Thị Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Nguyệt bị đưa ra xét xử năm 2021. TAND TP Hà Nội xử phạt Nga mức án 5 năm tù, Nguyệt 4 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Về trách nhiệm dân sự, Nga có nghĩa vụ trả nợ cho các ngân hàng.
Sau khi xem xét, tòa án đã xử phạt Đức mức án 30 tháng tù.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/boc-me-chieu-qua-mat-cic-a161611.html