Giải bài toán ‘cao điểm’ du lịch hè - Bài cuối: Cảnh giác sập bẫy tour giá rẻ trên mạng

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, mùa hè năm 2022, rất nhiều người tổ chức cho gia đình đi chơi xa. Đây cũng là thời điểm mà các nhóm đối tượng lừa đảo núp dưới danh nghĩa du lịch giá rẻ chất lượng cao hoạt động rầm rộ trên mạng với chiêu thức, thủ đoạn tinh vi.

Chú thích ảnh Bài quảng cáo của biệt thư "ma" tại TP Vũng Tàu. Ảnh: NVCC

Lừa chuyển tiền và mất liên lạc

Hiện nay, không khó để tìm kiếm những diễn đàn, hội nhóm chuyên bán voucher, combo du lịch giá rẻ trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, để thu hút khách hàng, nhiều đơn vị còn tung ra vô số chương trình khuyến mãi như: hỗ trợ xe đưa đón tận khách sạn, hỗ trợ dịch vụ thuê xe máy, miễn phí các bữa ăn sáng, sử dụng bể bơi… Bên cạnh những công ty du lịch lữ hành uy tín, vẫn còn nhiều cơ sở du lịch nhỏ lẻ với một số người xưng danh là cộng tác viên của công ty du lịch để bán combo du lịch. Những người bán nhỏ lẻ này thường chỉ có fanpage và không cung cấp đầy đủ thông tin, số điện thoại hoặc địa chỉ hoạt động. Dù thế, khi khách muốn mua combo, họ luôn đề nghị khách phải trả đủ tiền rồi mới gởi mã vé cho người mua sản phẩm. Ngoài chiêu thức này, những kẻ lừa đảo còn mạo danh các hãng lữ hành lớn để đăng tin lên hội thanh lý voucher, combo để tiến hành các giao dịch lừa đảo. 

Chị L.D.Ng (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, mới đây chị lên mạng mua combo 3 ngày 2 đêm du lịch tại Đà Lạt với giá chỉ hơn 6 triệu đồng, dành cho 3 người, bao gồm bữa sáng. Tuy nhiên, khi chị và nhóm bạn thân lên đến Đà Lạt thì khách sạn này lại báo không tìm thấy tên khách đã đặt phòng. Chị Ng. cho hay: “Khi biết mình không có tên trong danh sách đăng ký phòng của khách sạn, tôi gọi điện thoại cho người bán nhưng không liên lạc được. Ngay cả trang Facebook, Zalo rao bán tour giá rẻ của người bán cũng đều chặn tài khoản mạng xã hội của tôi. Cũng vì bị lừa mà tôi và nhóm bạn phải mất nửa ngày mới tìm được một khách sạn ở tạm. Sau đó vì quá bức xúc, tôi đã lên nhóm bán combo du lịch để hỏi thăm thì mới biết, rất nhiều người bị lừa đảo khi mua combo giá rẻ”.

Còn theo anh T.K.L (ngụ TP Hồ Chí Minh), vào giữa tháng 6 anh có ý định cùng gia đình đi du lịch ở TP Vũng Tàu. Trong quá trình tìm kiếm khách sạn để thuê, anh K.L thấy mạng xã hội Facebook đăng bài quảng cáo cho thuê biệt thự mang tên “Helios Villa” với giá khoảng 7,5 triệu đồng. Nhìn những hình ảnh về biệt thự bắt mắt và dòng chữ mới khai trương, anh K.L chủ động liên hệ với “chủ” biệt thự này để thuê trong thời gian nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sau khi anh K.L chuyển khoản thành công 10 triệu đặt cọc và đến ngày anh xuống nhận phòng thì không thấy biệt thự được rao trên mạng đâu, mà ở đó là ... một quán lẩu.

Tương tự, gia đình chị N.G (ngụ ở TP Hồ Chí Minh) dự kiến sẽ có chuyến du lịch Vũng Tàu vào ngày 13/7. Tuy nhiên, chuyến đi bị hủy bỏ sau khi chị phát hiện căn biệt thự Helios Villa mà chị đặt cọc cho gia đình là "biệt thự ma". "Hình ảnh căn villa rất đẹp, giá cả phải chăng nên mình liên lạc tìm hiểu thông tin. Họ nhanh chóng gửi thông tin, định vị địa chỉ cho mình. Tư vấn viên còn liên tục thúc giục mình đặt cọc để không mất chỗ. Công việc bận rộn, mình không có thời gian tìm hiểu kĩ nên tin tưởng chuyển cọc 50% số tiền phòng, tức 2,5 triệu đồng. Đến ngày 11/7, mình liên hệ lại thì nhận ra fanpage đã khóa từ khi nào. Đồng thời, mình cũng phát hiện ra nhiều du khách bị mất cọc tại Helios Villa theo cách tương tự", chị N.G cho biết.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị đã nhận được phản ánh của một số người dân về việc có một số đối tượng đã lấy những hình ảnh ở nơi khác để làm trang "Helios Villa" trên mạng xã hội rồi chào mời du khách đặt cọc thuê biệt thự nghỉ dưỡng với giá khuyến mãi, ưu đãi. Các đối tượng còn làm giả những chứng cứ giao dịch, giấy tờ để du khách tin tưởng. Hậu quả là nhiều người chuyển tiền đặt cọc, khi đến nơi thì mới biết bị lừa. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, Sở đã nhanh chóng có văn bản đề nghị Công an tỉnh vào cuộc xác minh, điều tra rõ vụ việc để không ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch địa phương cũng như quyền lợi của du khách.

“Sở cũng khuyến cáo du khách cẩn trọng hơn khi chuyển tiền cho những người chưa rõ lai lịch. Khách du lịch muốn thuê phòng khi đến TP. Vũng Tàu nghỉ dưỡng có thể truy cập vào cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch tỉnh hoặc hệ thống IOC tỉnh. Tất cả khách sạn, cơ sở lưu trú hợp pháp trên địa bàn đều có thông tin để du khách có thể đối chiếu, kiểm chứng. Qua đó, tìm được chỗ ở phù hợp và tránh bị lừa gạt”, ông Trịnh Hàng cho biết thêm.

Không nên ham rẻ để rước họa vào thân

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện đang xuất hiện tình trạng bán tour giá rẻ trên mạng rồi chiếm đoạt tiền của người dân. Qua nắm bắt thông tin sơ bộ, một số công ty du lịch đang rao bán các tour trên mạng với mức giảm giá đến 40 - 50%, sau khi người dân đăng kí mua tour và chuyển khoản thành công, các công ty du lịch này cũng mất liên lạc. Đây là một thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức bán tour du lịch giảm giá.

"Để tránh sập bẫy các công ty du lịch này, người dân cần cảnh giác khi mua tour du lịch giá rẻ trên mạng. Khi mua tour du lịch, người dân có thể đến trụ sở các công ty để kiểm tra thông tin công ty du lịch, nên mua tour trực tiếp hoặc có thể kiểm tra thông tin pháp nhân của các công ty du lịch xem có trụ sở đăng kí hay không, có tư cách pháp nhân kinh doanh bán tour du lịch hay không...", ông Lê Mạnh Hà khuyến cáo.

Chú thích ảnh Một số điểm du lịch của TP Hồ Chí Minh vẫn xuất hiện bán hàng rong, chào mời du khách gây mất thiện cảm và hình ảnh của du lịch TP Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, theo các công ty du lịch, các trang thông tin giá rẻ trên mạng đa phần là các trang thông tin không chính thống, trang cá nhân... nên khi xảy ra sự cố rất khó để đòi lại tiền. Ông Phước Đặng, CEO Outbox Consulting cho biết, về nguyên tắc, khách luôn ưu tiên tìm đến nguồn thông tin chính thống như một kênh tham khảo đáng tin cậy trước các chuyến đi. Sau khi chưa được đáp ứng, du khách mới tìm đến các kênh thông tin khác để thay thế như các kênh OTA, trang đánh giá, so sánh về giá các sản phẩm du lịch, tour, vé vào khu vui chơi giải trí và nhộn nhịp nhất là dịch vụ ăn uống... Từ thực tế trong ngành, nhiều trang web về du lịch hiện nay đang được xây dựng mà không biết phục vụ cho đối tượng nào, rất chậm cập nhật và nội dung thường nghèo nàn, các công nghệ AI, big data vẫn chưa được sử dụng tương xứng... nên không hấp dẫn khách hàng. Trong khi đó, các trang du lịch cá nhân, các trang thông tin không chính thống được đầu tư khá bắt mắt, bài bản... nên thu hút rất nhiều khách hàng quan tâm. 

Nói về những thủ đoạn lừa đảo tour giá rẻ, voucher du lịch xuất hiện khá nhiều thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing công ty TST tourist cho biết, trong bối cảnh chi phí xăng dầu và các chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, việc giữ giá tour ổn định hoặc tăng nhẹ đã là một nỗ lực của doanh nghiệp nên không có chuyện giảm giá quá nhiều để kích cầu du lịch như trước. Chưa kể, những nhóm lừa đảo thường đánh vào tâm lý ham tour giá rẻ nên nhiều du khách chọn tour mà không tìm hiểu kỹ thông tin, không hỏi kỹ chi tiết lịch trình tour, các dịch vụ bao gồm trong tour.

"Một số chiêu trò lừa đảo phổ biến thường thấy là mua tour giá rẻ nhưng đến nơi mới biết đó chỉ là tiền vé máy bay hoặc xe và khách sạn, không bao gồm tiền ăn, phí tham quan hay vé vào cổng các khu du lịch. Hoặc nhà tour yêu cầu chuyển 50% trị giá tour hoặc chuyển 100% để được nhận tour giá rẻ nhưng khi nhận được tiền, nhóm lừa đảo này biến mất, ngắt liên lạc với người đặt tour", ông Nguyễn Minh Mẫn khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo mua tour giá rẻ, khách hàng cần các thông tin du lịch chính thống. Tuy nhiên, một số điểm du lịch ở các tỉnh, thành phố mới chỉ xây dựng trang thông tin du lịch mà quên mất việc quảng bá, giới thiệu đến khách hàng, công ty lữ hành. Vì thế, nhiều du khách dù muốn tìm thông tin chính thống cũng không truy cập nhiều vào cổng thông tin du lịch các tỉnh, thành phố. Do không có thông tin chính thống nên khách hàng thường xem review trên các hội nhóm ở Facebook, YouTube, TikTok... và có không ít trường hợp tin vào những bài review và khi đến trải nghiệm thực tế thì thất vọng, thậm chí bị lừa đảo. 

Đồng quan điểm về việc cung cấp thông tin chính thống cho du khách, đại diện Công ty du lịch Samco cho biết, các điểm đến của Việt Nam rất đẹp nhưng việc giới thiệu quảng bá còn hạn chế. Vì vậy, để hạn chế tình trạng lừa đảo mua tour du lịch, các địa phương cần cung cấp đầy đủ hơn, cần có trang thông tin về du lịch chính thống, cập nhật liên tục hằng ngày những điểm đến, khách sạn, món ăn... để khách lựa chọn mà không lo bị lừa đảo hay bỡ ngỡ do thiếu thông tin. 

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/giai-bai-toan-cao-diem-du-lich-he-bai-cuoi-canh-giac-sap-bay-tour-gia-re-tren-mang-a161798.html