Giá cả hàng hóa tăng cao khiến người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Ảnh: Đức Thanh
Khó kéo giảm giá hàng hóa
Trong 40 ngày qua, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp tại 4 kỳ điều hành gần nhất, đưa giá xăng RON 95 đang từ mức gần 33.000 đồng/lít giảm về 25.608 đồng/lít. Cùng với đó, giá dầu hỏa cũng giảm còn 24.533 đồng/lít, dầu mazut còn 16.548 đồng/kg.
Có thể thấy, nỗ lực kéo giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước qua công cụ thuế, phí đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện khẩn trương, nhằm giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.
Việc giảm giá xăng dầu trong bối cảnh hiện tại được người dân kỳ vọng là cơ hội để nhiều hàng hóa, dịch vụ “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thực phẩm, rau xanh, hàng tiêu dùng, từ mớ rau, con cá… vẫn neo cao, giá dịch vụ taxi gần như… không có “liên hệ” với sự giảm giá của xăng dầu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, riêng tháng 7/2022, giá thực phẩm tăng 1,6% so với tháng 6, chủ yếu do giá thịt lợn tăng 4,29%, đẩy Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/7/2022, giá thịt lợn hơi trên cả nước dao động khoảng 65.000 - 72.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng 6. Giá thịt chế biến trong tháng 7 tăng khoảng 1,73% so với tháng 6.
Tại thời điểm ngày 1/8/2022, giá bán lẻ thịt lợn tại chợ dân sinh vẫn cao ngất ngưởng, ở mức 180.000 - 190.000 đồng/kg thịt ba chỉ (tăng 60.000 - 70.000 đồng/kg so với 2 tháng trước), sườn thăn có giá 250.000 - 260.000 đồng/kg. Bình quân, giá mỗi loại thịt đã tăng thêm 25 - 30%. Giá rau xanh, hải sản… không những giảm, mà còn tăng với lý do khan hiếm nguồn cung, cộng với phí vận chuyển tới tay tiểu thương vẫn rất cao.
Dù giá xăng dầu liên tục giảm trong những ngày qua, nhưng chi phí vận chuyển không được điều chỉnh giảm, nên giá hàng hóa giao đến tay nhà bán lẻ vẫn đứng ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ hàng hóa thiết yếu chưa thể điều chỉnh giảm. Đây là câu trả lời của hầu hết các nhà bán lẻ lẫn tiểu thương lúc này.
“Giá rau xanh tăng 15% so với tuần trước. Đặc biệt, thịt lợn chưa hề có dấu hiệu xuống giá, mà ngược lại, các nhà cung cấp cho chúng tôi vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng”, bà Nguyễn Thị Gấm, tiểu thương tại chợ Vĩnh Tuy (Hà Nội) xác nhận.
Lo ngại tình hình giá cả hàng hóa vẫn tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ra công điện chỉ đạo làm rõ việc giá xăng đã giảm mạnh nhưng giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường vẫn neo cao, bởi điều này gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân lợi dụng biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa để thu lời bất chính; đồng thời yêu cầu cơ quan này kịp thời tổng hợp, báo cáo về biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế, qua đó có những đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá.
Sức mua khó tăng
Thị trường hàng hóa trong nước thời gian qua chịu tác động mạnh mẽ của những biến động về địa chính trị, nguồn cung cũng như giá cả hàng hóa trên thế giới, đặc biệt, giá nguyên - nhiên liệu đầu vào tăng phi mã, trong đó có giá than, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, nguyên phụ liệu sản xuất của hầu hết các ngành, từ nông nghiệp đến công nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng của năm 2022 ước đạt gần 3,206 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%). Song phân tích kỹ, có thể thấy, mức tăng này chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm 2021 đạt thấp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá bán hàng hóa năm nay tăng khi giá nhiên liệu tăng cao.
Giá cả hàng hóa thiết yếu neo cao, trong khi thu nhập không tăng, hơn nữa, ảnh hưởng từ 2 năm dịch bệnh trước đó vẫn còn khá nặng nề, nên đại đa số người dân đều có xu hướng cắt giảm chi tiêu, giảm tối đa các chi phí không cần thiết. Danh mục chi tiêu của rất nhiều gia đình hiện nay chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống.
Theo đó, người dân rất mong Nhà nước sớm có chính sách bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, để bảo đảm đời sống, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm
Trong Công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu báo cáo phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu; rà soát và triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí nhằm tiếp tục giảm giá sách giáo khoa, đảm bảo cung cầu thịt lợn, đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hang-hoa-van-dat-do-du-gia-xang-dau-ha-nhiet-a161832.html