CTCP Tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt (mã chứng khoán TVC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 doanh thu quý 2/2022 giảm mạnh đến 87% so với cùng kỳ còn chi phí lại tăng gấp 4 lần. Nguyên nhân sự sụt giảm doanh thu và tăng chi phí do thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh dẫn tới hoạt động đầu tư chứng khoán không đạt được kết quả như kỳ vọng. Chi phí tăng do công ty phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán.
Trí Việt (TVC) lỗ 288 tỷ đồng quý 2 do phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh
Số liệu cụ thể, doanh thu thuần quý 2 đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính đạt gần 22 tỷ đồng, giảm 78% so với quý 2 năm ngoái trong khi chi phí tài chính gấp 9,4 lần cùng kỳ, lên gần 305 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay chỉ chưa đến 14 tỷ đồng). Kết quả, TVC lỗ 288 tỷ đồng quý 2, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 141 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 TVC đạt 94 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2021. Còn lợi nhuận ghi âm 258 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2021 lãi sau thuế 264 tỷ đồng. Nguyên nhân chính vẫn là khoản chi phí tài chính 332 tỷ đồng (gần gấp 4 lần cùng kỳ).
“Bắt dao rơi” cổ phiếu HPG và lỗ nặng
Báo cáo ghi nhận nguyên nhân chính của việc TVC lỗ quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022 đến từ khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh. Tính đến 30/6/2022 tổng giá trị chứng khoán kinh doanh của công ty trên 2.012 tỷ đồng, tăng 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Và do chứng khoán giảm điểm, TVC đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tổng gần 316 tỷ đồng (tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu kỳ).
Trong danh sách chứng khoán kinh doanh của TVC xuất hiện các cổ phiếu HPG, TCB, FPT, MWG, PVT và các cổ phiếu khác. Tuy nhiên phần lớn tiền đều đổ vào cổ phiếu HPG với giá gốc đầu tư đến 30/6/2022 vào cổ phiếu này 1.110 tỷ đồng – gấp đôi thời điểm đầu năm. Đổ thêm tiền “bắt đáy”, nhưng HPG vẫn tiếp tục “rơi” khiến TVC lỗ năng. Trí Việt đã phải trích lập dự phòng 296 tỷ đồng cho riêng khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG (đầu kỳ chỉ hơn 15 tỷ đồng).
(Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong 1 năm gần đây)
Khoản đầu tư chứng khoán thua lỗ của Trí Việt ngoài HPG còn có TCB và một số cổ phiếu khác công list vào danh sách. Báo cáo ghi nhận số dư đầu tư vào cổ phiếu TCB đầu năm chỉ hơn hơn 30 tỷ đồng và đã có “tạm lãi” hơn trăm triệu đồng. Tuy nhiên đến cuối quý 2/2022 TVC đã “đổ thêm” hơn 20 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB, nâng tổng giá trị gốc khoản đầu tư vào cổ phiếu này lên 53,7 tỷ đồng. Và không như kỳ vọng, TCB giảm mạnh khiến Trí Việt phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 7 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu TCB này.
(Diễn biến giá cổ phiếu TCB trong 1 năm gần đây)
Về hoạt động kinh doanh, tập trung tiền vào đầu tư chứng khoán, hoạt động kinh doanh của công ty cũng sa sút, doanh thu giảm. Số liệu ghi nhận khoản cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán của khách hàng đến 30/6/2022 còn gần 269 tỷ đồng, giảm mạnh so với số dư 1.113 tỷ đồng ghi nhận đến cuối năm 2021.
Tất tay vào đầu tư chứng khoán, Trí Việt cũng có động thái đã giảm nợ vay tài chính xuống đáng kể so với đầu năm. Dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn còn 422 tỷ đồng (giảm 510 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn còn 229 tỷ đồng. Vay tài chính dài hạn của Trí Việt chính là các trái phiếu công ty phát hành. Báo cáo ghi nhận tiền gửi các kỳ hạn 12 tháng của công ty đã giảm từ 460 tỷ đồng đầu năm xuống còn 24 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý, trong tổng số 422 tỷ đồng dư vay nợ tài chính ngắn hạn của Trí Việt, có 341 tỷ đồng là vay margin tại công ty chứng khoán. Khoản này được thuyết minh là khoản vay margin dùng để đầu tư chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi TVC mở tài khoản giao dịch.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/do-1100-ty-dong-vao-co-phieu-hpg-tri-viet-tvc-da-tam-lo-gan-300-ty-dong-a162123.html