Doanh nghiệp bắt tay, “né” quy định để phân phối dược phẩm nhập khẩu

Núp bóng trong đầu tư kinh doanh khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực và xuất hiện cả trong lĩnh vực đặc thù là dược. Việc này gây hệ lụy lớn khi doanh nghiệp không thể cạnh tranh và gây ra tổn thất về thuế.

Doanh nghiệp nhập khẩu dược phẩm, doanh nghiệp phân phối dược phẩm tham gia đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập…phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện cụ thể, nghiêm ngặt được quy định chi tiết trong Luật Đấu thầu năm 2013, Thông tư số 15/2019/TT-BYT về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập và Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Những quy định này giúp Nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý đối với ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân.

Khoản 10 Điều 91 Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định: “Các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam…”

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không đủ điều kiện thì ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp khác nhằm tham gia đấu thầu để cung cấp thuốc, phân phối thuốc. Câu chuyện hợp tác phân phối dược phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm GIGAMED (Công ty GIGAMED) và Công ty CP Dược thiết bị Y tế Hà Nội (Hapharco) là một ví dụ về điều này.

duoc-pham-nguyen-lieu-1659605720.png
 

Công ty GIGAMED (trụ sở tại số 13.05A, tầng 13 Toà nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10, TP HCM) vốn điều lệ 20 tỷ đồng là công ty nhập khẩu dược phẩm cung cấp cho các công ty được quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam.

Công ty TNHH DKSH Pharma Việt Nam với vốn điều lệ 11.350.00.000 đồng,  là công ty thành viên của Tập đoàn DKSH Thụy sỹ, 100% vốn của nước ngoài. Theo quy định tại khoản 10, 12, Điều 91, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/20217, doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu thuốc và không được phân phối thuốc dưới mọi hình thức.

Các dược phẩm nhập khẩu của Công ty TNHH DKSH Pharma Việt Nam đang được cung cấp cho Công ty GIGAMED. 

Cục Quản lý Dược đã có Công văn 660/QLD-KD ngày 7/8/2021 khẳng định: “Công ty GIGAMED có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam…”.

Công ty GIGAMED trực tiếp phân phối kênh OTC thông qua hệ thống Trung tâm phân phối của Gigamed theo hình thức Call Center đến các nhà thuốc tại 63 tỉnh thành. Đối với kênh phân phối ETC (đấu thầu thuốc vào các bệnh viên) do mới thành lập ngày 31/7/2020 nên chưa đủ điều kiện, uy tín để đấu thầu thuốc vào các bệnh viện, Công ty GIGAMED đã hợp tác với Haparco thông qua việc ký kết Hợp đồng đại lý số 01/HĐĐL-2020 (ký ngày 18/12/2020) để đấu thầu thuốc vào các bệnh viện trên cả nước, lại có những điều khoản “lạ” khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi?

web-cua-cong-ty-gigamed-van-quang-ba-he-thong-phan-phoi-truc-tiep-du-khong-duoc-phep-phan-phoi-1659605758.png
Web của Công ty GIGAMED vẫn quảng bá hệ thống phân phối trực tiếp dù không được phép phân phối. (Ảnh: KT)

Theo hợp đồng đại lý, Khoản 1.1, Điều 1 của hợp đồng xác định: Hapharco là đại lý mua bán đối với dược phẩm, hoá chất, trang thiết bị y tế, các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ cho Công ty GIGAMED.

Tuy nhiên, các điều khoản sau lại quy định: “Bên A (Công ty GIGAMED) sẽ chịu chi phí mua hồ sơ thầu, phí bảo lãnh qua ngân hàng cho các hoạt động dự thầu mà Bên B (Hapharco) tham dự, chi phí chuẩn bị hồ sơ tham dự thầu và các chi phí khác với mục đích tiêu thụ các mặt hàng mà Bên B làm đại lý cho Bên A”; “Bên A chịu trách nhiệm về công tác kho vận (văn phòng, nhà kho, giao nhận vận chuyển) đảm bảo đạt tiêu chuẩn vận hành theo quy định GDP và các quy định khác của pháp luật và của nhà sản xuất”.

Theo đó vai trò của “Bên A chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, thu hồi công nợ; Bên B chịu trách nhiệm kiểm soát, tổng hợp, đối chiếu cong nợ, hoàn thiện các hồ sơ, chứng từ liên quan đến hóa đơn. Bên A bán cho Bên B với mức giá được thể hiên trên Hóa đơn của Bên A xuất cho Bên B. Bên B sẽ bán ra thị trường theo đúng giá bán do bên A quy định và giá ghi trên hóa đơn của Bên A”; “Bên A sẽ thanh toán hoa hồng cho Bên B căn cứ trên tổng giá trị doanh số thuần của hàng hóa bán ra trong tháng (trừ thuế VAT) theo tỷ lệ hoa hồng từ 0,35% đến 0,65% tương ứng với mức doanh số thuần đạt được".

Theo hợp đồng, toàn bộ chi phí bảo lãnh dự thầu, giá bán, thu hồi công nợ và hoạt động kho vận, bảo quản, vận chuyển các mặt hàng thuốc trong hồ sơ dự thầu đều thuộc trách nhiệm, cũng như quyết định của Công ty GIGAMED.

Sau khi hợp đồng đại lý được ký vào tháng 12/2020, theo thống kê của Cục Quản lý Dược, từ ngày 29/12/2020 đến hết ngày 11/7/2022 số lượng trúng đấu thầu thuốc của Hapharco là hơn 400 mặt hàng trong các gói thầu cung cấp thuốc.

 Ở đây ta thấy được sự “đổi vai” trong hợp đồng, doanh nghiệp nhập khẩu dược phẩm vốn chỉ cần đưa hàng theo số lượng đại lý đặt hàng thì nay lo hết việc của nhà phân phối từ nguồn tiền nhập, chi phí tiền thầu, văn phòng, kho bãi, vận chuyển… Đại lý phân phối vốn phải tìm nguồn hàng, tổ chức phân phối nay lại ít việc làm!

Dù Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã khẳng định, Công ty GIGAMED không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam nhưng trên web của Công ty GIGAMED vẫn quảng bá hệ thống phân phối trực tiếp: “Chúng tôi phân phối sản phẩm của bạn đến bệnh viện, phòng khám, và nhà thuốc, cũng như các cửa hàng bán lẻ và kênh thương mại điện tử trên khắp Việt Nam.Mạng lưới phân phối trực tiếp của chúng tôi với độ phủ rộng và chất lượng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của bạn vào các nhà bán buôn bằng cách đi trực tiếp đến các nhà bán lẻ. Kho bãi và phương tiện vận chuyển được trang bị hiện đại và quản lý chuyên nghiệp…”

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, câu chuyện núp bóng trong đầu tư kinh doanh khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực và trong cả lĩnh vực đặc thù là dược. Việc này sẽ gây hệ lụy lớn khi doanh nghiệp không thể cạnh tranh được và tổn thất về thuế.

“Về mặt hợp đồng hợp tác kinh doanh mỗi bên có thể đóng góp nhiều hay ít và hưởng lợi nhuận tương ứng. Trường hợp hợp đồng đại lý toàn bộ nguồn lực, vốn, nguồn hàng, khách hàng… do một bên lo thì bên còn lại sẽ chỉ được hưởng lợi nhuận ít là điều hợp lý. Vấn đề là sâu chuỗi toàn bộ quá trình thì mục tiêu không hướng tới lợi ích chung, có thể tiếp tay cho việc chuyển giá và ảnh hưởng đến ngành dược cả doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu hàng.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu dược phẩm không được phép phân phối nghĩa là không được phân phối trực tiếp hay phân phối qua đơn vị khác mà phải bán hàng cho đơn vị phân phối. Tùy theo cách lập luận với nhiều hồ sơ tập hợp cả một quá trình từ nhập đến giao dịch qua đơn vị trung gian vẫn có thể kết luận là hành vi phân phối” - luật sư Trương Thanh Đức nói.

Việc “đổi vai” giữa doanh nghiệp nhập khẩu dược phẩm và doanh nghiệp phân phối sẽ được cơ quan chức năng trả lời thế nào? Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ, góp phần làm minh bạch, công khai, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh chân chính trong lĩnh vực dược phẩm trên thị trường Việt Nam. Dấu hiệu của việc chuyển giá trong câu chuyện phân phối dược phẩm nhập khẩu sẽ được Báo Điện tử VOV tiếp tục thông tin./.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/doanh-nghiep-bat-tay-ne-quy-dinh-de-phan-phoi-duoc-pham-nhap-khau-a162138.html