Sát bờ vực suy thoái, hướng đi nào cho châu Âu?

Theo một số nhà bình luận, kinh tế Mỹ đã giảm hai quý liên tiếp và có thể đã rơi vào suy thoái. Vậy liệu châu Âu có 'nối gót' Mỹ?

Các chuyên gia cho rằng, với GDP giảm trong hai quý I và II/2022 tại Mỹ, thì ở châu Âu, vấn đề cũng được đặt ra sau khi khu vực này công bố những ước tính đầu tiên về GDP quý II/2022.

Hoạt động kinh tế, được đo bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), của Mỹ đã thu hẹp trong quý thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu có vẻ đang hoạt động tốt hơn, vì GDP tháng 4-6/2022 tăng 0,7% so với ba tháng trước đó.

Dù vậy, triển vọng của châu Âu không thực sự khả quan, đặc biệt là do nền kinh tế Đức - “đầu tàu” châu Âu bị đình trệ trong quý II/2022.

Châu Âu đang đứng sát bờ vực suy thoái. (Nguồn: AEI)

Mỹ đã rơi vào suy thoái?

Nhiều nhà bình luận định nghĩa suy thoái là hoạt động kinh tế suy giảm trong hai quý liên tiếp. Bằng thước đo này, nền kinh tế Mỹ đã có thể rơi vào suy thoái. Theo Giáo sư Etienne de Callataÿ, giảng viên Đại học Namur và đồng sáng lập Công ty quản lý tài sản Orcadia, đây không phải là một "định nghĩa đúng".

“Dữ liệu sẵn có nhất, bao gồm cả ước tính GDP sơ bộ, chỉ nói lên một phần của câu chuyện; và đó là lý do tại sao chúng thường được sửa đổi, đôi khi rất nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức thấp lịch sử và nền kinh tế tiếp tục tạo ra việc làm”, ông Etienne de Callataÿ giải thích.

Nói cách khác, theo ông Etienne de Callataÿ, cần phải có một phân tích tốt hơn cho đến thời điểm một nền kinh tế hoặc một khu vực kinh tế rơi vào suy thoái.

Giáo sư Etienne de Callataÿ viện dẫn định nghĩa của Cục Nghiên cứu kinh tế Mỹ (NBER), theo đó, suy thoái là sự suy giảm hoạt động trong toàn bộ nền kinh tế trong hơn một vài tháng và sẽ chỉ được công bố sau khi đã có đủ quan điểm và dựa trên cơ sở tổng hợp các chỉ số kinh tế rộng hơn.

Ông Bruno Colmant, giảng viên tại Đại học Tự do Brussels (ULB) và Đại học Công giáo Louvain (UCLouvain), cho biết thêm: “Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng Mỹ không suy thoái và tôi nghĩ ông ấy đúng”.

Về phần mình, ông Koen De Leus, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng BNP Paribas Fortis, khẳng định: "Mỹ và châu Âu đang ở trong những tình huống hoàn toàn khác nhau, bởi vì khí đốt và nói rộng ra, điện ở châu Âu đắt hơn nhiều. Và không chỉ có vậy, giá khí đốt tại châu Âu cao hơn 5 lần so với bên kia Đại Tây Dương".

Châu Âu sẽ suy thoái nhẹ

Chuyên gia Koen De Leus nhấn mạnh hiện nay châu Âu đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng nhưng sẽ được duy trì trong chừng mực khi các công ty có thể chuyển việc tăng chi phí sản xuất cho khách hàng của họ.

Nếu giá năng lượng ổn định, lạm phát sẽ giảm nhưng chậm hơn so với kỳ vọng. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng của hộ gia đình, một trong những yếu tố cấu thành GDP.

Còn Giáo sư Bruno Colmant cho rằng nhiều nhà bình luận đánh giá thấp sự sụt giảm thu nhập khả dụng của hộ gia đình. Theo ông, tác động được hạn chế nhờ vào chỉ số tiền lương.

“Nhưng chúng ta không được nhầm lẫn, ngay cả khi lạm phát lắng dịu trong những quý tới, vẫn có thiệt hại và một số hộ gia đình sẽ gặp khó khăn. Ở cấp độ toàn cầu, người lao động phải hứng mức tăng giá 40%”, Giáo sư Bruno Colmant nhấn mạnh.

Chuyên gia Koen De Leus cho biết thêm, cú sốc lạm phát càng cao, tác động tiêu cực đến tiêu dùng càng lớn.

Với tỷ lệ lạm phát hiện nay cao hơn 5% so với mức trung bình của bốn quý trước, kinh nghiệm lịch sử ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy lạm phát sẽ có tác động tiêu cực tích lũy là 3% đối với tiêu dùng trong một năm.

Nếu Nga đóng van khí đốt

Tuy nhiên, ba nhà kinh tế học không đánh giá hoạt động kinh tế sẽ sụt giảm mạnh. Theo chuyên gia Etienne de Callataÿ, nếu châu Âu trải qua một cuộc suy thoái, thì đó sẽ là suy thoái nhẹ, trong trường hợp Nga không đóng hoàn toàn van khí đốt. Mặt khác, "một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn sẽ thay đổi tình hình", chuyên gia Bruno Colmant cảnh báo.

Chuyên gia Koen De Leus nhận định: “Nếu châu Âu cạn kiệt khí đốt, không chỉ giá cả tăng cao mà còn thiếu hụt nguồn cung, một số ngành sản xuất nhất định sẽ phải ngừng hoạt động, đặc biệt là ở Đức. Như vậy, toàn bộ châu Âu, và trước hết là các nước láng giềng Bỉ và Hà Lan sẽ bị ảnh hưởng”.

Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây đã ước tính tác động đối với các nền kinh tế của châu Âu khi Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Trong trường hợp không có sự đoàn kết của châu Âu, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech và cả Italy cũng sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt. Hơn nữa, GDP có thể giảm tận 6%. Ở Đức và Áo, tác động tiêu cực cũng sẽ rất đáng kể, khoảng 3%. Bỉ, ít phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga, sẽ ít bị tác động hơn nhưng vẫn giảm từ 1-2%.

Theo IMF, Liên minh châu Âu (EU) có thể hạn chế thiệt hại nếu biết cách thể hiện sự đoàn kết, đặc biệt “khi các quốc gia thành viên thực hiện ngay từ bây giờ giảm tiêu thụ khí đốt và năng lượng nói chung", chuyên gia Koen De Leus nói thêm.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/sat-bo-vuc-suy-thoai-huong-di-nao-cho-chau-au-a162145.html