Theo báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp các tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn khoảng 62.470 tỷ đồng, khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng.
Con số này sẽ tăng lên 271.400 tỷ đồng trong năm 2023 và 329.500 tỷ đồng đến năm 2024.
Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán, ngoại trừ trường hợp các trái phiếu bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong giai đoạn 2022-2024 lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng là một trong những rủi ro đối với sự phát triển của thị trường này.
Khối lượng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt, khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024 chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng.
Với xu hướng kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, định hướng điều hành theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, các doanh nghiệp sẽ có khả năng thanh toán đủ gốc, lãi đến hạn. “Tuy nhiên, trường hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn”, Bộ Tài chính cảnh báo.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng thị trường trái phiếu còn tồn tại một số rủi ro đến từ chính các nhà đầu tư. Đã có hiện tượng nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định để đầu tư vào thị trường này, việc này có cả sự tiếp tay của các tổ chức phân phối trái phiếu, tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.
Các vi phạm này không chỉ gây rủi ro cho nhà đầu tư, mà còn tạo ra rủi ro với thị trường khi doanh nghiệp lợi dụng tăng lãi suất phát hành để chào bán cho nhà đầu tư cá nhân. Khi tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ, qua đó có thể tác động dây chuyền, gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hon-745000-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-den-han-tra-no-trong-vong-3-nam-toi-a162371.html