Như Dân Việt đã có bài Quảng Trị: Hàng loạt bãi tập kết cát sỏi trái phép nhưng vẫn nộp thuế đều đặn, phản ánh 10 bãi kinh doanh cát, sỏi ở dọc bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành lấn chiếm đất công, hoạt động trái phép nhiều năm nhưng UBND xã không xử lý.
Không những thế, hàng năm, hàng tháng chủ bãi vẫn được Chi cục thuế Triệu Hải (Cục thuế Quảng Trị) thông báo thuế và được nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập.
Sau khi Báo Dân Việt phản ánh, sáng 3/8, Thường trực Huyện uỷ Triệu Phong yêu cầu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thông tin, xử lý triệt để đối với các bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn xã Triệu Thành.
Chiều 3/8, Công an huyện Triệu Phong phối hợp với công an xã, chính quyền xã Triệu Thành yêu cầu các hộ dân kinh doanh cát, sỏi dọc tuyến sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Cổ Thành xã Triệu Thành cam kết dừng hoạt động, chủ động giải tỏa, xử lý các vật liệu cát, sỏi trên các bến bãi không có giấy phép kinh doanh.
Thế nhưng, sáng 4/8, có bãi tập kết vẫn công khai hoạt động. Đơn cử tại bãi tập kết cát của ông Lê Anh Phương (33 tuổi, trú tại thôn Cổ Thành) vào khoảng 8h10, xuất hiện xe ôtô tải di chuyển vào và đổ cát trên xe xuống bãi. Trên bãi xe ôtô chở cát đến tập kết, dưới sông Thạch Hãn, 1 chiếc thuyền chở đầy cát cũng cập bờ, buộc dây neo trước bãi.
Trước đó, chiều 3/8, chính ông Lê Anh Phương là người ký cam kết dừng hoạt động vi phạm với công an.
Liên quan 10 bãi tập kết cát, sỏi trái phép ở xã Triệu Thành, luật sư Trần Hậu - Công ty luật FDVN, thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nêu quan điểm, bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông sau khi khai thác của tổ chức, cá nhân được phép khai thác, kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 10 Nghị định 23/2020/NĐ-CP.
Cụ thể là khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Trường hợp bến, bãi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc liên quan đến đê điều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều. Phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung: địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua, bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.
Như vậy, các cá nhân, tổ chức khai thác cát, sỏi phải được cấp phép khai thác, kinh doanh và các bến, bãi để tập kết cát, sỏi lòng sông sau khai thác phải đảm bảo những điều kiện nhất định nêu trên.
Đối với hành vi lấn chiếm đất công để tập kết cát, sỏi thì cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền cao nhất lên đến 150 triệu đồng, tùy vào diện tích đất lấn chiếm theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP và tùy vào khu vực thành thị hoặc nông thôn.
Người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức trong trường hợp này bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Hành vi lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và lên đến 100 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại Khoản 7 Điều 24 Nghị định 03/2022/NĐ-CP, ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm
Tuỳ theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà cá nhân lấn chiếm đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, quy định tại Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, Điều 228 Bộ luật hình sự quy định: Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức, 2 lần trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Đối với hành vi khai thác, lập bến, bãi tập kết, vận chuyển trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật tùy từng trường hợp.
Với các khoản thuế mà các hộ kinh doanh tại các bãi cát, sỏi trái phép ở xã Triệu Thành đã nộp, luật sư Trần Hậu cho biết, lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân là các loại lệ phí, thuế mà cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có đăng ký kinh doanh phải nộp căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh của mình.
Theo tinh thần của Luật quản lý thuế 2019 có thể hiểu rằng, khi các chủ bãi tập kết đã đăng ký hộ kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật, không phân biệt là việc lập bãi tập kết cát, sỏi của hộ kinh doanh đó có hợp pháp hay không thì vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật về thuế, vẫn phải nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc cơ quan thuế thu thuế của các hộ kinh doanh là căn cứ trên hoạt động đăng ký kinh doanh, kê khai thuế.
Tuy nhiên, việc thu thuế tại các bãi tập kết cát, sỏi trái phép ở xã Triệu Thành cần rà soát xem thu từ hoạt động kinh doanh hợp pháp hay không hợp pháp. Trường hợp, hộ kinh doanh kê khai nội dung giả mạo, không đúng sự thật về địa điểm kinh doanh hợp pháp thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện có thể xem xét để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đã cấp này.
Theo luật sư Trần Hậu, hiện nay, tình trạng bãi tập kết cát, sỏi trái pháp luật đang gia tăng theo tỷ lệ thuận với các hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép. Tình trạng khai thác, lập bến bãi vận chuyển cát, sỏi… xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương không chỉ riêng ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Để khắc phục tình trạng này, theo chúng tôi, UBND tỉnh Quảng Trị cần có quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi và cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương thay vì đùn đẩy trách nhiệm.
Ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát trên sông, xử phạt các bến, bãi tập kết, thu mua cát của đối tượng khai thác trái phép, cần xử lý nghiêm đối với hành vi khai thác cát trái phép nhằm mục đích răn đe, ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán cát, sỏi trái phép, lấn chiếm đất làm bãi diễn ra tràn lan, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hang-loat-bai-tap-ket-cat-soi-trai-phep-o-quang-tri-co-the-bi-phat-tien-ty-a162745.html