"Bản chất" khoản lợi nhuận kỷ lục của Tổng Công ty Kinh Bắc

Dù đang trên đà “lao dốc” nhưng Tổng Công ty Kinh Bắc vẫn đạt lợi nhuận sau thuế kỷ lục 2.456 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu thông qua thương vụ giao dịch với doanh nghiệp thân hữu khoản lãi thu về lên đến 2.397 tỷ đồng.

Đằng sau khoản lãi kỷ lục
Tổng Công ty CP phát triển đô thị Kinh Bắc (MCK: KBC) mới đây vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2022.
Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này lũy kế đến ngày 30/6/2022 đạt 1.086 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp là 610,275 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 476,629 tỷ đồng.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP phát triển đô thị Kinh Bắc. 
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái mức lợi nhuận này đã sụt giảm nghiêm trọng bởi, năm ngoái lũy kế lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của Kinh Bắc đạt 1.572 tỷ đồng (cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm nay).
Tương tự, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc luỹ kế đến 30/6/2022 chỉ đạt 133,146 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái lên đến 1.104 tỷ đồng.
Tuy nhiên do khoản thu nhập khác của KBC năm nay lên tới 2.417 tỷ đồng cho nên tổng lợi nhuận kế toán trước thuế lũy kế đến cuối quý II/2022 cũng tăng theo và đạt đỉnh 2.545 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái lại chỉ đạt 1.097 tỷ đồng.
Chính vì vậy, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Kinh Bắc công bố thể hiện tín hiệu lạc quan khi lợi nhuận sau thuế đạt 2.456 tỷ đồng, trong khi năm ngoái chỉ đạt 792 tỷ đồng (tăng tới 1.664 tỷ đồng).
Như vậy, khoản thu nhập khác tăng đột biến lên đến 2.417 tỷ đồng (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước) đã đóng vai trò quan trọng cho kết quả kinh doanh của Kinh Bắc.
Tìm hiểu cho thấy khoản thu nhập khác mà Kinh Bắc có được chủ yếu đến từ khoản “chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh” lên đến 2.397 tỷ đồng. Khoản này đến từ giao dịch mua rẻ nâng tỷ lệ sở hữu lên 48% với Công ty CP đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng. Biến Công ty CP đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng trở thành công ty liên kết của Kinh Bắc.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2021 chưa ghi nhận Kinh Bắc đầu tư vào Công ty CP đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, tuy nhiên tới ngày 30/6/2022 giá trị đầu tư lên đến 2.493 tỷ đồng và chênh lệch với giá mua 2.397 tỷ đồng, thông qua hoạt động đầu tư 9,6 triệu cổ phiếu để sở hữu 48% cổ phần của Công ty CP đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng.
Theo báo cáo riêng lẻ, để nâng tổng sở hữu lên 9,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 48%) Kinh Bắc chỉ phải chi ra 96 tỷ đồng. Trong khi đó Công ty liên kết là Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.
Tức là, trong thương vụ mua rẻ này Kinh Bắc đã thu về 2.397 tỷ đồng để ghi nhận trên báo cáo tài chính. Chính vì vậy đã tạo ra khoản lãi cổ phiếu lên đến 4.069 đồng, so với năm trước chỉ là 1.362 đồng.
Khoản đầu tư của Kinh Bắc vào Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng. 
Thu lãi từ doanh nghiệp thân hữu
Tìm hiểu cho thấy Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng được thành lập từ năm 2005, là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), tham gia hoạt động kinh doanh chính là đầu tư, xây dựng kinh doanh khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch và vui chơi giải trí.
Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của KCN và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây (Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích 657,78ha; KCN Hòa Khánh mở rộng (Đà Nẵng) quy hoạch 132,6ha; KCN Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng diện tích 289,35ha.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT của Kinh Bắc hiện tại là ông Đặng Thành Tâm (em trai bà Đặng Thì Hoàng Yến Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo).
Ông Đặng Thành Tâm ngay từ năm 2005 đã là Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng để triển khai KCN Hòa Khánh mở rộng. Đến năm 2006 ông giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI).
Vì vậy, không quá khó hiểu trong thương vụ mua rẻ cổ phiếu sở hữu 48% cổ phần của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng khiến Kinh Bắc thu về khoản lãi 2.397 tỷ đồng.
Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm khởi đầu từ lĩnh vực đầu tư và phát triển kinh doanh KCN, sau đó mở rộng đầu tư vào ngân hàng, năng lượng, khoáng sản (giai đoạn 2008 - 2009). Tuy nhiên, từ năm 2013 - 2015 đã thoái vốn tại các lĩnh vực này và chỉ tập trung vào kinh doanh, phát triển các KCN, khu đô thị.
Là một trong những doanh nghiệp giữ quỹ đất KCN “khủng” nhất nhì Việt Nam. Tính đến 31/12/2020, Kinh Bắc sở hữu quỹ đất KCN lên đến 4.713ha, mỗi KCN đều có quy mô trung bình trên 200ha. Ngoài ra, hiện tại Kinh Bắc cũng sở hữu tới hàng nghìn ha đất khu đô thị từ Bắc vào Nam. Từ cuối năm 2020, Kinh Bắc đã và đang tăng cường phát triển các dự án lớn tại một số tỉnh như Long An, Hải Dương, Hưng Yên, Vũng Tàu, khiến quỹ đất KCN và khu đô thị dự kiến sẽ tăng lên đáng kể.
Đến nay cả Tân Tạo và Kinh Bắc của chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm đều là những “ông trùm” trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ban-chat-khoan-loi-nhuan-ky-luc-cua-tong-cong-ty-kinh-bac-a163177.html